Mụn ở lưng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý về da. Trong nhiều trường hợp, bạn cần đi khám với bác sĩ Da liễu để được chẩn đoán và điều trị.
Bị mụn lưng là bệnh gì?
Viêm nang lông
Viêm nang lông là tình trạng viêm của phần nông hoặc phần sâu của nang lông. Viêm nang lông không nguy hiểm nhưng có thể gây ra cảm giác đau, ngứa ngáy và khó chịu.
Viêm nang lông nếu không được điều trị có thể dần trở nên nghiêm trọng, gây rụng lông và để lại sẹo.
Biểu hiện của viêm nang lông là các sẩn, mụn mủ, vết trầy và vảy ở cổ nang lông. Khi bị viêm nang lông ở lưng, bệnh nhân sẽ thấy các biểu hiện mụn nhỏ, mụn đầu trắng ở một hoặc nhiều nang lông.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể thấy các biểu hiện ứa tại vùng da bị viêm, nổi nốt đỏ quanh vùng viêm nang lông, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn lại bên trong.
Viêm nang lông ở lưng do nhiều nguyên nhân như:
- Bẩm sinh
- Cạo, tẩy lông không đúng cách (dụng cụ tẩy lông nhiễm trùng)
- Vệ sinh cá nhân kém
- Dị ứng hoặc nhiễm khuẩn
- Mặc áo làm từ chất liệu thô cứng, không thấm hút mồ hôi,...
Viêm nang lông ở lưng ban đầu không nguy hiểm và dễ điều trị, tuy nhiên nếu để lâu có thể phát triển thành mãn tính, gây nhiễm trùng sâu trong da, thậm chí có thể lan tới hạch bạch huyết và dẫn vào máu.
Vì vậy, khi có dấu hiệu viêm nang lông ở lưng, tốt nhất là bệnh nhân nên thăm khám với bác sĩ Da liễu để có phương án điều trị phù hợp.
Ngoài ở viêm nang lông ở lưng, bệnh có thể phát triển ở các vùng da khác như đầu, mặt, chân, mông, vùng kín,...
Xem thêm bài viết:
- 11 bác sĩ Da liễu giỏi và uy tín tại TP HCM
- 7 bác sĩ Da liễu giỏi và nhiều kinh nghiệm tại Hà Nội
Rối loạn nội tiết
Mụn nội tiết ở lưng thường xuất hiện ở độ tuổi vị thành niên hoặc phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh do có sự thay đổi các nội tiết tố đột ngột.
Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh gây bít tắc lỗ chân lông. Những vùng da có nhiều tuyến bã nhờn như vùng ngực và lưng sẽ tăng sản xuất dầu nhờn và hình thành nên mụn.
Tùy theo mỗi người mà tình trạng rối loạn hormone kéo dài hay ngắn. Khi bước qua độ tuổi dậy thì hay sau giai đoạn mang thai, lượng hormon sẽ giảm dần và tình trạng mụn cũng sẽ giảm theo.
Nếu như sau thời gian đó mà mụn lưng không thuyên giảm thì bạn nên sớm thăm khám với bác sĩ Da liễu để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị sớm.
Thói quen sinh hoạt hàng ngày
Đôi khi, mụn ở lưng không phải bệnh lý mà chỉ là do thói quen hàng ngày. Bạn có thể thay đổi một số thói quen để cải thiện tình trạng mụn lưng.
Một số thói quen dễ gây ra mụn lưng như:
- Để dầu gội đầu chảy xuống lưng, dầu trong các sản phẩm dầu gội cũng có thể gây tắc nghẽn các nang lông. Để giảm nguy cơ mụn lưng, nên rửa sạch hoặc tránh để dầu gội dính trên lưng.
- Không tắm sau ngay sau khi hoạt động khiến mồ hôi và chất bẩn tích tụ nhiều trên da.
- Mặc đồ chật chội, chất liệu cứng, không thấm hút gây ra cọ sát sự cọ sát thường xuyên lên da cũng như gây bí, bít tắc lỗ chân lông, lâu ngày sẽ hình thành mụn lưng.
- Sử dụng loại kem chống nắng, dưỡng da toàn thân không phù hợp với loại da cũng có nguy cơ gây ra mụn lưng và ngực. Ngoài ra, kể cả đã dùng kem chống nắng, bạn vẫn cần che chắn cẩn thận khi ra đường.
- Chế độ ăn uống nhiều đường, tinh bột, dầu mỡ, uống ít nước tạo điều kiện thuận lợi cho mụn phát triển. Thay vào đó, nên ăn các loại rau xanh và trái cây chứa nhiều vitamin rất tốt để ngăn ngừa mụn.
- Đầu óc căng thẳng, mệt mỏi, stress lâu ngày cũng là một trong những lí do gây ra mụn.
Khi bị mụn lưng, để có phương pháp điều trị phù hợp, bạn cần nắm được nguyên nhân. Nếu như do thói quen hàng ngày, bạn cần chú ý và thay đổi.
Nếu do bệnh lý, bạn nên sớm thăm khám với bác sĩ Da liễu để sớm có phương pháp điều trị. Trong trường hợp chưa rõ nguyên nhân hoặc chưa có thời gian đi khám, bạn có thể lựa chọn tư vấn với bác sĩ Da liễu từ xa qua video.
Trên đây là những chia sẻ của BookingCare về mụn lưng. Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo thêm những bài viết khác trên chuyên mục Cẩm nang của BookingCare.