Phụ nữ mang thai bị ngứa vùng kín trong 3 tháng cuối có thể đến từ nguyên nhân sinh lý hoặc nguyên nhân bệnh lý. Nếu bạn đang lo lắng về tình trạng này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân mẹ bầu bị ngứa vùng kín 3 tháng cuối
Ngứa vùng kín là tình trạng phổ biến trong giai đoạn thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng trước khi sinh. Phụ nữ gặp phải hiện tượng này có thể do 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu dưới đây:
Nguyên nhân sinh lý
Ngứa vùng kín đôi khi chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra do sự những thay đổi trong cơ thể người phụ nữ suốt quá quá trình mang thai.
- Rạn da: Cân nặng của người mẹ và thai nhi đều tăng lên đáng kể trong thời gian cuối thai kỳ sẽ dẫn đến rạn nứt da. Rạn nứt xuất hiện ở vùng kín như vùng da háng hay lông mu sẽ khiến phụ nữ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu.
- Rối loạn nội tiết: Mang thai làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể người mẹ một cách rõ rệt. Hormone rối loạn làm độ pH và môi trường xung quanh vùng kín thay đổi theo. Điều này có thể sẽ làm mẹ bầu bị ngứa vùng kín trong 3 tháng cuối.
- Các tuyến tiết dịch hoạt động mạnh mẽ: Trong thời gian thai kỳ, các tuyến tiết dịch sẽ tăng cường hoạt động, sản xuất dịch cơ thể mạnh mẽ hơn. Đặc biệt vào thời gian gần ngày sinh nở, âm đạo sẽ tiết nhiều dịch trơn để giúp thai nhi ra ngoài thuận lợi hơn. Vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt dễ khiến phụ nữ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Nguyên nhân sinh lý khiến mẹ bầu bị ngứa vùng kín 3 tháng cuối
Nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh nguyên nhân sinh lý, ngứa vùng kín còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý.
- Bệnh phụ khoa: Các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tư cung hay viêm tử cung thường có triệu chứng ngứa ngáy vùng kín, đồng thời những bệnh này còn gây ra hiện tượng khí hư bất thường, chảy máu vùng kín.
- Bệnh lây qua đường tình dục: Lậu, giang mai,... cũng có thể là nguyên nhân khiến phụ nữ bị ngứa vùng kín. Nếu người phụ nữ từng xảy ra quan hệ không an toàn, tình trạng này rất dễ xảy ra, gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và cả thai nhi.
- Rận lông, nấm vùng kín: Lông mu rậm, dày ở vùng kín thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng tình trạng cũng khiến mẹ bầu ngứa ngáy rất khó chịu.
Mẹ bầu bị ngứa vùng kín 3 tháng cuối có nguy hiểm không?
Nhiều mẹ bầu chủ quan cho rằng nếu ngứa vùng kín đến từ nguyên nhân sinh lý là vấn đề bình thường và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tình trạng này làm người phụ nữ cảm thấy đau rát khi đi vệ sinh, sinh nhiều khí hư có mùi hôi,... đồng thời gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.
Ảnh hưởng tới mẹ bầu
Mẹ bầu bị ngứa vùng kín thai kỳ thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hiện tượng này, đặc biệt, trong 3 tháng cuối, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của thai phụ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Vùng kín bị viêm ngứa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm phát triển mạnh và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm khác.
Ảnh hưởng của tình trạng ngứa vùng kín 3 tháng cuối tới mẹ bầu
Ảnh hưởng tới thai nhi
Tình trạng ngứa vùng kín ở phụ nữ mang thai còn gây nhiều tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi.
- Ngứa vùng kín có thể ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người mẹ chán ăn và làm thai nhi bị thiếu dinh dưỡng.
- Nếu nguyên nhân thai phụ bị ngứa vùng kín là từ các bệnh lý phụ khoa, trẻ em có thể bị mắc những bệnh viêm nhiễm liên quan đến da, mắt, đường hô hấp do vi khuẩn lây truyền từ mẹ sang trẻ khi sinh thường.
- Mẹ bầu tự ý dùng thuốc để chữa ngứa ngáy, nếu sử dụng không đúng cách, não bộ, xương, tim,... của trẻ có thể bị ảnh hưởng.
Vì vậy, mẹ bầu không nên chủ quan khi bị ngứa vùng kín 3 tháng cuối. Sự xâm nhập của những tác nhân gây hại sẽ ảnh hưởng xấu đến cả sức khỏe mẹ và bé.
Ảnh hưởng của tình trạng ngứa vùng kín 3 tháng cuối tới thai nhi
Mẹ bầu bị ngứa vùng kín 3 tháng cuối phải làm sao?
Để hạn chế các tác động xấu của tình trạng ngứa vùng kín vào 3 tháng cuối ở mẹ bầu, chị em có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe dưới đây:
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Mẹ bầu nên dùng nước ấm để rửa sạch vùng kín, không sử nước quá nóng hay các sản phẩm có dung dịch có tính tẩy mạnh đồng thời tránh thụt rửa quá sâu. Thao tác nên thực hiện từ trước ra sau để không bị lây nhiễm vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Nếu bị ngứa vùng kín cho rạn nứt da, bạn có thể sử dụng các sản phẩm kem dưỡng ẩm an toàn, lành tính để chăm sóc làn da.
- Ăn uống đủ chất: Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cơ thể người phụ nữ khỏe mạnh hơn, tăng khả năng chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm từ môi trường.
- Sinh hoạt lành mạnh: Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ đủ giấc, không thức khuya, giải tỏa căng thẳng, stress, uống đủ nước, chọn quần áo có chất liệu thoáng mát,... cũng là biện pháp tốt để đối phó với tình trạng này.
Sử dụng kem dưỡng ẩm nếu ngứa ngáy đến từ nguyên nhân rạn da
Nhìn chung, tình trạng bị ngứa vùng kín vào 3 tháng cuối thai kỳ không quá nguy hiểm đến sức khỏe nếu không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Những mẹ bầu chẳng may gặp phải tình trạng này cũng không nên quá lo lắng mà hãy thử áp dụng các cách chăm sóc bản thân ở trên để bảo vệ sức khỏe của mình nhé!
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp