Khi bị mất sữa sau sinh, nhiều người mẹ lo lắng hay căng thẳng khiến tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân nào khiến mẹ bị mất sữa sau khi sinh và làm thế nào để có nguồn sữa dồi dào cho con bú? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Mất sữa sau sinh là gì?
Mất sữa sau sinh là tình trạng tuyến sữa ngừng hoạt động sản xuất sữa mẹ, trẻ bú mẹ hoặc mẹ vắt/hút sữa nhưng không thấy sữa chảy ra ngoài. Lúc này, mẹ sẽ nhận thấy hai bầu ngực không còn căng tức mà mềm và xẹp dần.
ThS.BSNT Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, tình trạng mất sữa sau khi sinh được chia thành hai dạng, gồm:
- Mất sữa ít dần đi: các tuyến sữa sản xuất sữa giảm dần rồi mới mất hẳn, tình trạng này có thể kéo dài trên 1 tuần.
- Mất sữa đột ngột: các tuyến sữa đột ngột ngừng tiết sữa, thời gian kéo dài dài hay ngắn phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ.
Phân biệt ít sữa, tắc sữa và mất sữa sau khi sinh
Với những người lần đầu làm mẹ chưa có kinh nghiệm cho con bú rất dễ nhầm lẫn giữa tình trạng ít sữa, tắc sữa với mất sữa sau khi sinh. Đây là 3 tình trạng hoàn toàn khác nhau, mẹ có thể phân biệt dựa vào các đặc điểm chính dưới đây:
- Ít sữa: lượng sữa mẹ tiết ra ít hơn bình thường, hai bầu ngực mẹ không còn đau hay căng tức nhiều.
- Tắc sữa: tuyến sữa vẫn sản xuất sữa như bình thường nhưng do ống dẫn sữa bị tắc nên sữa mẹ bị ứ đọng không thể chảy ra ngoài, điều này khiến bầu ngực mẹ trở nên căng tức, đau đớn và có thể bị sốt.
- Mất sữa: tuyến sữa ngừng sản xuất sữa, dù mẹ cố gắng dùng tay vắt sữa hoặc sử dụng máy hút sữa cũng không thấy sữa chảy ra ngoài.
Tại sao mẹ bị mất sữa sau sinh?
Để có giải pháp khắc phục hiệu quả, mẹ cần tìm hiểu và xác định được nguyên nhân mất sữa sau sinh là do đâu. Theo bác sĩ Nhung, có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ không có sữa, trong đó phải kể đến những nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất là:
1. Mẹ không cho con bú hoặc bú không thường xuyên
Nếu mẹ lạm dụng sữa công thức, không cho con bú mẹ hoặc không cho bú thường xuyên, bầu sữa mẹ không còn được kích thích sẽ tạo sữa ít dần và gây mất sữa. (1)
Cơ thể mẹ bắt đầu quá trình tạo sữa từ trong thai kỳ. Vú của mẹ có thể bắt đầu tiết sữa non vài tuần trước ngày dự sinh vì nồng độ hormone prolactin kích thích sản xuất sữa sẽ tăng lên vào cuối thai kỳ. Sữa mẹ sẽ “về” vài ngày sau khi sinh con, mẹ sẽ thấy bầu ngực trở nên đầy đặn và nặng nề hơn sau khi con chào đời do lượng sữa tăng lên.
Khi mẹ quyết định nuôi con bằng sữa công thức, ngưng cho con bú mẹ hoặc ngừng hút sữa ra ngoài, nồng độ prolactin sẽ giảm và quá trình sản xuất sữa sẽ dần dần ngừng lại.
2. Nghỉ ngơi, chăm sóc sau sinh không hợp lý
Sau sinh nở, mẹ cần có nhiều thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Khi cơ thể mẹ khỏe mạnh, quá trình tạo tiết sữa cũng thuận lợi hơn. Nếu mẹ không được nghỉ ngơi hoặc có quá ít thời gian để nghỉ ngơi có thể khiến đầu óc căng thẳng, stress kéo dài… Những điều này có thể khiến sữa mẹ ít dần đi và mất hẳn.
Ngoài ra, mẹ bị thiếu ngủ, mất ngủ sau sinh cộng với tâm lý mệt mỏi, căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh. Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ. Gia đình cần đặc biệt quan tâm để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
3. Chế độ dinh dưỡng kém
Một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết không chỉ giúp cơ thể mẹ nhanh hồi phục, mà còn tạo được nguồn sữa dồi dào và chất lượng cho con.
Tuy vậy, rất nhiều người mẹ đang thực hiện chế độ dinh dưỡng kém, không đủ với nhu cầu khuyến cáo của phụ nữ nuôi con nhỏ. Nhiều mẹ nghe theo các phương pháp dân gian như ăn nhiều móng giò, gà hầm… để có nhiều sữa nhưng lại bỏ quan nhiều món ăn dinh dưỡng khác khiến cơ thể suy nhược, không cung cấp đủ dinh dưỡng để thúc đẩy cơ chế tạo tiết sữa.
4. Mắc bệnh lý liên quan đến tuyến vú
Mẹ mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến vú như viêm vú, áp xe vú, từng phẫu thuật ngực như nâng ngực hoặc thu nhỏ ngực có thể làm ảnh hưởng đến cơ chế tạo tiết sữa của tuyến vú.
Ngoài ra, một số bệnh lý rối loạn nội tiết, nhất là có liên quan đến hai loại hormone prolactin và oxytocin có thể gây rối loạn quá trình tạo tiết sữa, khiến mẹ rơi vào trường hợp mất sữa sau sinh.
5. Mẹ uống ít nước
90% sữa mẹ là nước. Do đó nếu mẹ uống quá ít nước cũng có thể gặp tình trạng ít sữa, lâu ngày dẫn đến mất sữa.
6. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân phổ biến kể trên, mẹ sau sinh bị mất sữa có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Mẹ sử dụng thuốc.
- Mẹ bị thiếu máu.
- Mẹ sinh non hoặc sinh mổ nên cơ chế tạo tiết sữa chưa hoàn thiện, sữa về chậm và ít hơn so với mẹ sinh thường.
- Mẹ thiếu kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ, không biết tư thế cho bé bú đúng và cho bé ngậm bắt vú mẹ đúng cách.
- Mẹ chưa biết vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút sữa sai cách.
Dấu hiệu mất sữa sau sinh ở mẹ
Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy mẹ bị mất sữa hoặc cảnh báo mẹ có thể rơi vào tình trạng mất sữa sau sinh, bao gồm:
1. Không có sữa hoặc lượng sữa tiết ra rất ít
Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mẹ đã bị mất sữa sau sinh. Thông thường, trong 2-5 ngày đầu tiên sau khi sinh con, cơ thể mẹ sẽ tiết ra một lượng nhỏ sữa non. Đây là loại sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng mà mọi em bé cần trong những ngày đầu tiên. Khoảng 3-5 ngày sau sinh, sữa mẹ sẽ “về”. Tuy nhiên có một số nguyên nhân khiến sữa mẹ về muộn hoặc không về. (2)
2. Bầu ngực xẹp, không căng tức
Dấu hiệu tiếp theo giúp mẹ sớm nhận biết nguồn sữa đang ít dần hoặc sắp mất hẳn là ngực trở nên mềm hơn, không còn căng tức. Nguyên tắc khi sữa mẹ tiết ra sẽ làm căng tức bầu ngực. Nếu bầu ngực mẹ lúc nào cũng mềm, lỏng, không căng tròn chứng tỏ là không có sữa, nguy cơ mất sữa rất cao.
3. Dùng tay hoặc máy hút sữa vẫn không có sữa
Khi mẹ cho con bú trực tiếp, dưới kích thích ti mẹ của trẻ không thấy sữa tiết ra hoặc mẹ dùng tay, máy hút sữa vẫn không thấy sữa chảy ra chứng tỏ mẹ đã bị mất sữa sau sinh.
4. Bé bú không đủ no
Thông thường khi bé bú no sẽ có vẻ hài lòng và ngủ ngay sau khi bú. Nếu mẹ thấy sau khi bú mẹ mà bé vẫn đói (qua các biểu hiện như khóc, mút ngón tay hoặc muốn ngậm ti giả) nghĩa là sữa mẹ ít, không đủ cho bé. Mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp kích sữa, tránh bị mất sữa.
5. Bé đi tiểu dưới 6 lần/ngày
Bé sẽ đi tiểu 6 lần/ngày hoặc hơn nếu bú đủ sữa mẹ. Nước tiểu của bé thường không màu. Nếu thấy bé đi tiểu dưới 6 lần/ngày hoặc với trẻ hơn 3 ngày tuổi thấy nước tiểu có màu gạch bẩn dính tả, đó là dấu hiệu sữa mẹ ít dần, cần sớm khắc phục để tránh tình trạng mất sữa.
6. Bé không tăng cân
Khi bú đủ sữa mẹ, bé nhận được các chất dinh dưỡng quý giá sẽ tăng cân nhanh, ít nhất là 30 gram trong vòng 2 tháng đầu. Nếu bé không tăng cân nghĩa là mẹ ít sữa hoặc mẹ không cho bé bú đúng cách.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh và lý tưởng nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Ngoài ra, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng được khuyến khích cho đến khi trẻ ít nhất 12 tháng hoặc lâu hơn nếu mẹ và bé đều sẵn lòng. (3)
Tham khảo: Tình trạng sữa mẹ ít dần
Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu mất sữa sau sinh hoặc cảnh báo nguy cơ mất sữa kể trên, mẹ hãy đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và xác định nguyên nhân là gì, từ đó có hướng khắc phục hiệu quả giúp mẹ đảm bảo nguồn sữa dinh dưỡng cho con.
Mẹ bị mất sữa làm sao để có lại?
Khi nhận thấy bị ít sữa hoặc mất sữa sau sinh, mẹ có thể áp dụng các cách dưới đây để kích thích sữa về:
- Cho bé bú thường xuyên hơn để kích thích cơ thể tạo tiết sữa. Chú ý cho bé bú đúng tư thế và hướng dẫn bé ngậm bắt vú mẹ đúng cách.
- Chườm ấm và massage bầu ngực trước mỗi cữ bú để kích thích sữa về.
- Trường hợp bé ít bú, mẹ nên dùng tay vắt sữa hoặc dùng máy hút sữa để hút sữa ra ngoài. Luôn để bầu ngực được rỗng cũng là cách kích thích cơ thể tạo tiết sữa.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng các nhóm chất, nên tăng cường các nhóm thực phẩm lợi sữa, tránh các thực phẩm gây mất sữa cũng như các loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ khiến bé bỏ bú.
- Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tin tưởng rằng bản thân sẽ sớm có đủ sữa cho bé bú, tuyệt đối không bi quan và lạm dụng sữa công thức quá sớm.
- Uống nhiều nước.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục tình trạng ít sữa, mất sữa sau sinh an toàn và hiệu quả.
Phòng ngừa bị mất sữa sau sinh bằng cách nào?
Có nhiều cách gọi sữa về sau khi mất sữa sớm và nhanh sau khi sinh, mẹ có thể tham khảo:
- Cho bé ti mẹ càng sớm càng tốt để kích thích tuyến sữa tăng tiết sữa. Các chuyên gia khuyến cáo nên cho bé bú sớm trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi sinh để nhận được dòng sữa non quý giá.
- Cho bé bú mẹ thường xuyên, bé càng bú nhiều thì sữa mẹ về càng nhiều.
- Để bé bú đều cả hai bên bầu ngực.
- Thường xuyên massage bầu ngực nhẹ nhàng để kích thích tuyến sữa.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Nghỉ ngơi hợp lý, mẹ nên chia sẻ cùng chồng và các thành viên trong gia đình để được thấu hiểu và hỗ trợ việc chăm sóc bé.
- Khi không thể cho bé bú, mẹ hãy vắt sữa hoặc hút sữa ra ngoài để duy trì ổn định cơ chế tạo tiết sữa.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia - bác sĩ tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ vui lòng liên hệ đến:
Trên đây là những thông tin tổng quan về nguyên nhân và dấu hiệu mất sữa sau sinh. Hy vọng mẹ đã có thêm kiến thức hữu ích để đảm bảo nguồn sữa dồi dào và dinh dưỡng cho con. Chúc hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của mẹ thật nhiều niềm vui và hạnh phúc!