Động thái tích cực phía nhà trường
Khi học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh sẽ học 8 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc và chọn nhóm tổ hợp các môn học theo năng lực, định hướng nghề nghiệp. 8 môn bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, tiếng Anh, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, tuỳ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, mỗi nhà trường sẽ xây dựng các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn. Việc tổ chức môn lựa chọn và chuyên đề môn lựa chọn ở mỗi trường là khác nhau.
Ngay trong buổi làm thủ tục nhập học cho học sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025, trường THPT Xuân Mai - Chương Mỹ đã phổ biến cho phụ huynh, học sinh về công tác định hướng các tổ hợp môn học. Theo đó, với 675 học sinh, 15 lớp, trường dự kiến tổ chức 6 lớp ban khoa học tự nhiên (A1-A6) và 9 lớp ban khoa học xã hội (D1- D9). Mỗi ban sẽ có nhóm các môn lựa chọn và chuyên đề khác nhau. Số lớp theo ban có thể thay đổi tuỳ số lượng đăng ký của học sinh…
Nhằm giúp phụ huynh và học sinh có những thông tin chính xác về chương trình học bậc THPT, trường THPT Tây Hồ tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh lớp 10 đối với toàn thể học sinh đã trúng tuyển năm học 2024 - 2025 cùng phụ huynh khối 10.
Tổ chức hội nghị tư vấn về chương trình giáo dục, mô hình lớp, tổ hợp môn học lựa chọn... đến học sinh trúng tuyển và phụ huynh của các em cũng là cách thức được trường THPT Việt Đức - Hoàn Kiếm và trường THPT Mỹ Đình - Nam Từ Liêm thực hiện. Tại buổi tư vấn, hiệu trưởng các trường đã trực tiếp phổ biến những điều cần biết để phụ huynh, học sinh nắm được; từ đó có cách thức lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh.
Không gộp vào buổi gặp gỡ, nhập học lớp 10, nhiều đơn vị nhà trường tổ chức buổi tư vấn tổ hợp cho học sinh và phụ huynh vào cuối tháng 7. Đơn cử, trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông gửi phụ huynh và học sinh thông báo về việc nhà trường triển khai chương trình học lớp 10 năm 2024 - 2025 thành 3 nhóm: tự nhiên 1, tự nhiên 2 và xã hội; cùng với đó là các môn lựa chọn và chuyên đề lựa chọn. Trước mắt, phụ huynh, học sinh sẽ đọc kỹ thông báo để đến ngày 28/7/2024, Ban giám hiệu nhà trường trực tiếp tư vấn hướng nghiệp nhằm giúp học sinh chọn mô hình lớp phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân. Sau buổi này, nhà trường yêu cầu học sinh phải tự đăng ký 1 trong 3 nhóm môn học; phía nhà trường sẽ cố gắng sắp xếp lớp theo nguyện vọng mà các em đăng ký.
Về nội dung này, Hiệu trưởng trường THPT Lưu Hoàng, Ứng Hoà Hoàng Chí Sỹ cho hay, trường sẽ tổ chức buổi tư vấn vào ngày 27/7 để hướng dẫn chi tiết cho học sinh và phụ huynh cách thức lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 trước khi trường tiến hành phân lớp.
Phụ huynh và học sinh cần nghiêm túc vào cuộc
Việc lựa chọn môn lựa chọn lớp 10 có ý nghĩa rất quan trọng; liên quan trực tiếp đến bước đường tương lai của học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn khá hời hợt về việc lựa chọn của mình.
Nguyễn Hà Anh, thí sinh vừa đỗ lớp 10 vào một trường THPT công lập tại quận Hà Đông cho biết: “Quả thật, năm lớp 9 em được nghe cô giáo nói nhiều về tổ hợp môn lựa chọn. Thậm chí, cô còn phát cho tờ giấy nêu ví dụ về việc phân chia tổ hợp môn lựa chọn để học sinh dễ hình dung. Cô cũng nhắc học sinh và bố mẹ cần lưu ý kỹ vấn đề này nhưng vì bận ôn thi nên em không mấy quan tâm. Đến khi đi nhập học lớp 10, trường yêu cầu đăng ký môn lựa chọn làm em rất lúng túng và đăng ký có phần hơi ngẫu hứng”.
Tương tự, chị Mai Anh Thư, phụ huynh học sinh tại quận Hoàng Mai cho biết: “Không ít lần nghe nói về môn lựa chọn nhưng tôi cũng chưa đọc và chưa tìm hiểu kỹ xem các khoá trước trường con học như thế nào. Khi cô giáo lớp 10 phát cho tờ giấy để tích chọn môn học, tôi và con liếc qua và thảo luận tầm 5 phút rồi bắt đầu chọn. Nếu được suy nghĩ vài ngày, có thể chọn lựa của mẹ con tôi sẽ khác…”.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hoá học tại Hà Nội bày tỏ: ở chương trình mới, bậc THPT được phân định rõ là bậc học định hướng nghề nghiệp. Việc này cũng được thầy cô phổ biến rất nhiều; bởi vậy, chính các em học sinh - chủ thể của việc lựa chọn cần chủ động, nghiêm túc nghiên cứu và lựa chọn để hạn chế sai sót vì việc chọn lại sẽ không hề dễ dàng.
Chia sẻ về cách làm trường vừa áp dụng, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát - Gia Lâm Hoàng Đức Thuận cho rằng: dù là năm thứ 3 thực hiện chương trình mới nhưng khi tư vấn cho học sinh và phụ huynh lớp 10, giáo viên vẫn nhắc đi nhắc lại việc cần phải suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút đăng ký. Hiện quy định của Bộ GD&ĐT cho phép học sinh nếu chọn sai có thể đổi tổ hợp môn nhưng việc đó chỉ được thực hiện khi hết chương trình học lớp 10. Trên thực tế, việc này khó khăn cho học sinh bởi sau 1 năm học, nếu muốn chuyển sang tổ hợp khác, lớp học khác, các em sẽ phải tự bổ trợ kiến thức để vượt qua bài kiểm tra của nhà trường.
Được biết, vào những ngày đầu năm học, đa số nhà trường đều tạo điều kiện để học sinh thay đổi việc đăng ký tổ hợp nếu có nguyện vọng. Do vậy, kể cả khi đã đăng ký tổ hợp thì học sinh và phụ huynh vẫn cần tiếp tục tìm hiểu, xem xét lại nguyện vọng, sở trường, định hướng của bản thân và gia đình trong tương lai để sớm điều chỉnh (nếu có); tránh việc đến giữa hoặc hết năm học vẫn lơ ngơ muốn đổi tổ hợp hoặc chưa biết mình phù hợp với tổ hợp nào. Lúc đó, người thiệt thòi nhất chính là các em học sinh.