Hiếm muộn đang được xem là một chứng bệnh của thời đại khi tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Theo một số thống kê mới đây tỷ lệ hiếm muộn, vô sinh ở các cặp vợ chồng tại Việt Nam chiếm 7.7%. Vậy hiếm muộn được định nghĩa như thế nào? Cùng tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Hiếm muộn là gì?
Hiếm muộn theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai sau một năm chung sống, giao hợp thường xuyên và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Nếu người vợ trên 35 tuổi, thời gian này được rút ngắn lại chỉ còn 6 tháng. (1)
Theo các chuyên gia, khoảng 85% phụ nữ sẽ thụ thai tự nhiên trong vòng 12 tháng đầu tiên. Trong 3 tháng đầu có quan hệ tình dục không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào thì khả năng sinh sản là 25%. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 15% trong 9 tháng còn lại.
Vì vậy với những cặp vợ chồng đang mong con và đã cố gắng trong ít nhất một năm mà vẫn chưa có tin vui thì nên đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt, việc điều trị không nên trì hoãn vì càng lớn tuổi chức năng sinh sản sẽ càng suy giảm.
Hiếm muộn có thể được phân thành hai loại gồm hiếm muộn nguyên phát và thứ phát. Trong đó, hiếm muộn thứ phát là trường hợp hai vợ chồng đã có thai ít nhất một lần. Hiếm muộn nguyên phát là trường hợp vợ chồng chưa từng có thai lần nào.
Nguyên nhân hiếm muộn con
Nguyên nhân xuất phát từ vợ và chồng, có khoảng 40% nguyên nhân đến từ vợ, 40% nguyên nhân đến từ chồng, còn lại đến từ cả hai vợ chồng hoặc hiếm muộn không rõ nguyên nhân. (2)
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng hiếm muộn ở nữ giới:
- Rối loạn phóng noãn;
- Lạc nội mạc tử cung;
- Suy buồng trứng sớm;
- Viêm vùng chậu;
- Tắc nghẽn ống dẫn trứng;
- Các bất thường khác về ống dẫn trứng, tử cung, như polyp tử cung, u xơ tử cung, tắc ống dẫn trứng, tử cung dị dạng, chít hẹp hay dính cổ tử cung…;
- Tăng prolactin máu.
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng hiếm muộn ở nam giới:
- Chất lượng và số lượng tinh trùng không đảm bảo;
- Bệnh tật và quá trình điều trị: Giãn tĩnh mạch thừng tinh, các bệnh nhiễm trùng, xuất tinh ngược dòng, u bướu, tinh hoàn ẩn, mất cân bằng hormone, khiếm khuyết ở 2 ống dẫn tinh, trục trặc khi quan hệ tình dục (rối loạn cương dương, xuất tinh sớm…), bệnh Celiac, sử dụng thuốc (điều trị ung thư, điều trị loét, viêm khớp…), phẫu thuật (thắt ống dẫn tinh, phẫu thuật bìu, tinh hoàn, tuyến tiền liệt…), kháng thể kháng tinh trùng…;
- Bệnh lý di truyền: Hội chứng Klinefelter (47, XXY), mất đoạn nhỏ nhiễm sắc thể Y, bất sản ống dẫn tinh 2 bên…;
- Nguyên nhân môi trường: Tiếp xúc quá nhiều với môi trường nhiệt độ cao hoặc môi trường chứa nhiều hóa chất công nghiệp làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng;
- Lối sống và các nguyên nhân khác: Thiếu vận động, dùng nhiều thức ăn nhanh, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc lá…
Dấu hiệu nhận biết tình trạng hiếm muộn
Cả nam giới và nữ giới đều có thể gặp vấn đề về khả năng sinh sản. Dấu hiệu cảnh báo hiếm muộn nam có thể bao gồm: (3)
- Tinh hoàn bị nhỏ lại hoặc teo;
- Ham muốn về tình dục có sự thay đổi;
- Tinh hoàn có sưng đau, nổi cục;
- Gặp các vấn vấn đề về cương dương hoặc xuất tinh…
Sự thay đổi của kinh nguyệt hay các bất thường về nội tiết tố có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý liên quan đến hiếm muộn ở nữ bao gồm:
- Kinh nguyệt thất thường, lượng kinh nguyệt nhiều, thời gian kéo dài hoặc ngắn hơn;
- Vô kinh;
- Có thay đổi về ham muốn tình dục;
- Thay đổi về da, nổi mụn trứng cá;
- Tăng cân;
- Đau khi quan hệ tình dục;
- Xuất huyết âm đạo bất thường;
- Khí hư bất thường…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khả năng sinh sản của nam giới và nữ giới giảm dần theo tuổi. Đối với phụ nữ, khả năng sinh sản giảm dần khi bước sang độ tuổi 30, và giảm nhanh sau 35 tuổi, đến tuổi 40 cơ hội có thai của phụ nữ giảm đi một nửa. Lý do là khi phụ nữ lớn tuổi thì số lượng và chất lượng noãn ở hai bên buồng trứng bị suy giảm đáng kể.
Tuổi ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, một phần do chất lượng của noãn được phóng thích bị suy giảm. Ở độ tuổi 40, khoảng 75% tổng số noãn bị bất thường về nhiễm sắc thể, điều này làm giảm cơ hội mang thai và tăng nguy cơ sảy thai. Dưới đây là một vài con số thể hiện mối quan hệ giữa tuổi của người phụ nữ và khả năng sinh sản:
- Cơ hội thụ thai hàng tháng giảm từ 20% đối với phụ nữ ở độ tuổi 30 xuống còn 5% cho phụ nữ ở độ tuổi 40.
- Nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi tăng từ 1/385 đối với phụ nữ ở độ tuổi 30 lên đến 1/63 cho phụ nữ ở độ tuổi 40.
- Việc sảy thai xảy ra ở <10% phụ nữ có độ tuổi 20, trong khi điều này xảy ra ở >50% phụ nữ trên 42 tuổi.
Ở nam giới, sự giảm khả năng sinh sản bắt đầu muộn hơn và khó nhận thấy hơn nhưng vẫn âm thầm diễn ra. Người chồng trên 45 tuổi thì thời gian để người vợ có thai kéo dài gấp 5 lần thời gian của những người đàn ông độ tuổi 20.
Vì vậy với những cặp vợ chồng đang mong con không nên trì hoãn thời gian thăm khám quá lâu, tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị để đạt được kết quả tốt nhất. Với những cặp vợ chồng dưới 35 tuổi và đang cố gắng có con trong ít nhất một năm, hoặc trên 35 tuổi đã cố gắng có con trong 6 tháng mà không có kết quả nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản để được tư vấn và thăm khám hiếm muộn.
Phương pháp chẩn đoán hiếm muộn
Để chẩn đoán hiếm muộn, tùy vào mỗi trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định xét nghiệm khác nhau để đảm bảo chẩn đoán chính xác bệnh cũng như kiểm tra sự đáp ứng thuốc của cơ thể với phác đồ điều trị. (4)
Để chẩn đoán hiếm muộn nữ có các phương pháp chẩn đoán như:
1. Xét nghiệm cơ bản:
Các xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán hiếm muộn nữ bao gồm: Xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm AMH, xét nghiệm Chlamydia, xét nghiệm tuyến giáp (TSH, T3, FT4), xét nghiệm nội tiết FSH, LH, E2, Prolactin, P4, xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung và ung thư vú.
- Siêu âm cần thiết:
- Siêu âm phụ khoa, siêu âm đếm nang thứ cấp, siêu âm theo dõi sự phát triển của nang noãn, siêu âm bơm nước buồng tử cung.
- Chụp X-quang tử cung - vòi trứng (HSG) được sử dụng để đánh giá sự thông thương của các ống dẫn trứng.
Nội soi buồng tử cung thường được áp dụng để quan sát buồng tử cung, giúp chẩn đoán và điều trị các bất thường ở tử cung. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến vô sinh hoặc thất bại làm tổ nhiều lần.
Để chẩn đoán hiếm muộn nam có các phương pháp chẩn đoán như:
- Các xét nghiệm cơ bản:
Các xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán hiếm muộn nam bao gồm: Xét nghiệm tinh dịch đồ (xét nghiệm phân tích tinh dịch), xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm nội tiết ở nam giới, xét nghiệm nước tiểu sau xuất tinh, xét nghiệm di truyền: xét nghiệm gene và bộ nhiễm sắc thể đồ, xét nghiệm kiểm tra mức độ đứt gãy DNA của tinh trùng (Halosperm Test).
- Một số siêu âm cần thiết bao gồm: Siêu âm tinh hoàn, siêu âm bụng…
Bệnh hiếm muộn có chữa được không?
Hiếm muộn có chữa được không là điều mà nhiều cặp vợ chồng quan tâm, hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, phần lớn những bệnh lý dẫn đến hiếm muộn con hoàn toàn có thể điều trị nếu được chẩn đoán kịp thời.
Theo bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thành công khi chữa trị hiếm muộn bao gồm: độ tuổi của người phụ nữ, thời điểm bắt đầu điều trị càng sớm (tuổi càng trẻ) thì khả năng thành công càng cao. Thứ 2 là các bệnh lý, và sức khỏe của vợ chồng trước khi thực hiện chữa trị. Thứ 3 là trình độ, chuyên môn của đội ngũ chuyên gia hỗ trợ sinh sản, trang thiết bị và phòng Lab đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Bên cạnh đó cần phác đồ cá thể hóa theo từng tình trạng của mỗi cặp vợ chồng và chăm sau sức khỏe sau tiến hành điều trị bệnh kỹ lưỡng.
Vì vậy các cặp vợ chồng đang mong con nên chủ động thăm khám sớm, và một điều quan trọng là nên giữ tinh thần lạc quan, chủ động chia sẻ những vấn đề mình đang gặp phải và những lo lắng với bác sĩ điều trị, kiên trì với phác đồ và niềm tin vào bản thân và bác sĩ vì hiếm muộn chỉ là chậm và khó có con hơn so với những cặp vợ chồng bình thường khác chứ không phải không thể có con.
Biện pháp phòng ngừa hiếm muộn như thế nào?
Hiện nay hiếm muộn được xem là căn bệnh nguy hiểm xếp thứ 3 chỉ sau ung thư và tim mạch vì vậy phòng ngừa hiếm muộn như thế nào luôn được các cặp vợ chồng hay người trong độ tuổi sinh sản quan tâm.
Việc phòng tránh có thể được thực hiện trong việc thay đổi các thói quen hằng ngày cụ thể như:
- Thực hiện lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, các đồ uống thực phẩm chứa cồn hay các chất kích thích, không sử dụng thuốc lá.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để có sức khỏe tốt và nâng cao đề kháng.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, hạn chế ăn quá nhiều đường, muối, các thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản và đồ ăn quá nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm, làm việc ở môi trường tiếp xúc với chất hóa học cần đồ bảo hộ kỹ càng.
- Thực hiện quan hệ tình dục lành mạnh, một vợ một chồng, tần suất quan hệ thường xuyên 2-3 lần/tuần và không sinh hoạt tình dục thô bạo.
- Đi khám vô sinh ngay khi gặp các vấn đề bất thường cảnh báo mắc bệnh lý hiếm muộn.
Dịch vụ khám hiếm muộn tại Tâm Anh
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ y bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn, sở hữu hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, hệ thống phòng Lab siêu sạch đạt tiêu chuẩn ISO 5 nghiêm ngặt… triển khai đa dạng tất cả các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay, hiện thực hóa ước mơ bồng bế con yêu “chính chủ” của hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh có nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản như:
- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI);
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF);
- Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI);
- Trưởng thành trứng non IVM;
- Trữ lạnh phôi, noãn và tinh trùng:
- Hỗ trợ phôi thoát màng (AH);
- Chuyển phôi giai đoạn Blastocyst (ngày 5);
- Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT);
- Phẫu thuật nội soi, soi buồng tử cung trong vô sinh;
- Phẫu thuật nội soi trong vô sinh;
- Phẫu thuật tạo hình trong bất thường sinh dục - vô sinh;
Để nâng cao tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn, bên cạnh đội ngũ chuyên gia/bác sĩ giàu kinh nghiệm, phòng LAB đạt chuẩn quốc tế, trang thiết bị hiện đại, IVFTA cũng thường xuyên cập nhật kỹ thuật mới/ tiên tiến nhất trên thế giới. Cụ thể:
- Ứng dụng nghiên cứu huyết tương giàu tiểu cầu tự thân trong điều trị nội mạc tử cung mỏng
- Ứng dụng phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng (Mild Stimulation)
- Ứng dụng EmbryoGlue® - loại keo đặc biệt giúp gắn kết phôi thai vào lòng tử cung
- Áp dụng ERA (Endometrial receptivity array) test
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nuôi phôi
Để được tư vấn và hướng dẫn các bước chuẩn bị cho quá trình điều trị hiếm muộn với các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến:
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho các cặp vợ chồng về hiếm muộn là gì và cung cấp thêm nhiều thông tin về điều trị và thăm khám hiếm muộn. Để không bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, các cặp vợ chồng có thể đến IVFTA để được khám và tư vấn với những chuyên gia nhiều kinh nghiệm.