Nấm da đầu là chứng bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, từ trẻ em cho đến người già. Nhiều người lo lắng không biết căn bệnh này có lây lan hay không và nguyên nhân phát bệnh chủ yếu từ đâu.
Các loại nấm da đầu
Nấm da đầu do Trichophyton
Nấm da đầu do Trichophyton khởi phát với sự xuất hiện của các nốt sần nhỏ và phân tán rải rác khắp da đầu. Nền tổn thương có thể tìm thấy các mảng vảy rất mỏng với kích thước khác nhau. Ngoài ra, tóc bị nhiễm nấm trở nên dễ gãy rụng và cứng hơn. Tóc khỏe mạnh sẽ xen kẽ những sợi tóc bị cụt vị trí gần gốc.
Các mảng vảy mỏng bong, tróc khỏi da đầu sẽ hình thành nên các mảng hói. Tuy nhiên, may mắn rằng các mảng hói này chỉ mang tính chất tạm thời. Bệnh nấm da đầu khiến người bệnh có cảm giác rất ngứa ngáy và khó chịu. Ngoài ra, nấm da cũng có thể xuất hiện ở những vị trí khác như mông, bẹn hay móng.
Bệnh tóc hột do Pierdraiahortai và Trichosporon Beigelii
Bệnh tóc hột có các dấu hiệu điển hình như việc xuất hiện những hạt tròn mềm nằm cách dọc theo thân của các sợi tóc từ 2 - 3cm. Các hạt có màu đen hay nâu và dễ dàng tuốt ra như trứng chấy.
Một điểm may mắn rằng bệnh tóc hột không gây ra rụng tóc vì loại nấm sợi Pierdraiahortai và Trichosporon Beigelii chỉ sinh sống và phát triển ở thân tóc. Tuy nhiên, bệnh gây ra các cơn ngứa ngáy cực kỳ khó chịu.
Để chẩn đoán bệnh tóc hột do hai loại nấm sợi Pierdraiahortai và Trichosporon Beigelii gây nên, các bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng lâm sàng cùng các xét nghiệm như soi tươi chất bám trên tóc hay các mảng vảy của da đầu hoặc nuôi cấy trong môi trường đạm thạch,...
Nguyên nhân khiến bạn bị nấm da đầu
Nguyên do khiến bạn bị mắc chứng nấm da đầu chủ yếu xuất phát từ các yếu tố môi trường đã tạo điều kiện cho hai loại nấm sợi Microsporum và Trichophyton sinh sống và phát triển.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh nấm da đầu.
Sau đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến khả năng nhiễm nấm da đầu:
Vệ sinh da đầu không sạch sẽ
Đây là một trong những nguyên do phổ biến nhất khiến bạn mắc chứng nấm da đầu. Mồ hôi kết hợp cùng bụi bẩn và lớp tế bào chết do thời gian dài không được tẩy tế bào chết cho da đầu đã tạo ra môi trường ẩm ướt cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển của các loại nấm.
Ngoài ra, việc gội đầu không đúng cách, thường xuyên dùng lực mạnh và chà xát khiến cho da đầu bị trầy xước. Lúc này, chính sự tổn thương sẽ càng khiến cho các loại nấm dễ dàng xâm nhập, sinh trưởng và tấn công sâu vào bên trong.
Thói quen sinh hoạt
Rất nhiều người với cuộc sống và công việc quá bận rộn mà không thể dành nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân. Điển hình là không thường xuyên gội đầu hay gội đầu vào lúc tối muộn và để tình trạng tóc ẩm ướt đi thẳng vào giấc ngủ. Chính vì những thói quen sinh hoạt xấu này đã vô tình kích hoạt mầm mống gây bệnh tự lúc nào.
Bị lây nhiễm từ động vật
Thú cưng hay vật nuôi gia đình là một trong những nguồn lây bệnh nguy hiểm. Bạn sẽ dễ dàng bị nhiễm nấm nếu như tiếp xúc trực tiếp với các thú cưng mắc bệnh. Vậy nên, tắm rửa thường xuyên cho thú cưng là biện pháp phòng bệnh khá hiệu quả.
Nấm da đầu có lây không?
Điều làm nhiều người lo lắng và hoang mang nhất là bệnh nấm da đầu có lây không. Theo các chuyên gia, nấm da đầu là một căn bệnh rất dễ lây lan. Cụ thể, có hai con đường lây bệnh chủ yếu:
- Con đường lây lan trực tiếp: Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với làn da người hay vật bị nhiễm nấm.
- Con đường lây lan gián tiếp: Tiếp xúc hay sử dụng đồ dùng cá nhân của những bệnh nhân như khăn tắm, bông tắm, lược, gối, chăn, nệm,...
Để phòng tránh việc lây nhiễm bệnh cho người khác, bệnh nhân bị nấm da đầu cần nắm vững các kiến thức về con đường lây lan của bệnh để ngăn ngừa việc lây nhiễm cho người thân và những người xung quanh.
Các cách ngăn chặn lây lan nấm da đầu
Sau khi biết được bệnh nấm da đầu có lây không thì bước tiếp theo bạn nên chủ động tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn khả năng lây lan của căn bệnh.
Giữ tóc và da đầu luôn sạch sẽ
Giữ tóc và da đầu luôn sạch sẽ là bước đầu tiên và căn bản nhất để phòng chống các căn bệnh liên quan đến da đầu như nấm da đầu, gàu, vảy nến,... Đặc biệt là với khí hậu nắng nóng tại Việt Nam, da đầu có thể tiết ra rất nhiều mồ hôi và bã nhờn. Thế nên, bạn cần quan tâm chú ý hơn vào việc loại bỏ sạch sẽ các bụi bẩn trên da đầu mỗi lần gội đầu. Quan trọng hơn cả rằng những hành động này còn giúp bạn ngăn chặn sự lây nhiễm nấm da đầu từ người khác.
Tránh tiếp xúc với người bị nấm
Khi xuất hiện thành viên trong gia đình bị nấm da đầu, cách tốt nhất là nên cho họ một khu vệ sinh và sinh hoạt riêng. Không nên tiếp xúc trực tiếp với người bị nấm hay chạm vào những khu vực da nhiễm nấm của họ.
Không dùng chung đồ dùng cá nhân
Tuyệt đối không sử dụng chung những đồ dùng cá nhân với bất kỳ ai, đặc biệt là những bệnh nhân nấm da đầu. Thường xuyên vệ sinh đồ dùng mỗi ngày cũng góp phần tiêu hủy môi trường sống của các vi khuẩn, nấm mốc.
Nấm da đầu có lây không hay có những nguyên nhân nào khiến chúng ta bị mắc phải căn bệnh này đều là những mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều người. Khi phát hiện bản thân mắc phải bệnh, bạn nên lập tức thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời và hiệu quả, tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
Khánh Vy
Nguồn: Tổng hợp