Ảnh minh hoạ.
Về vấn đề này, theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe theo quy định và có giấy phép lái xe do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và phải mang theo các loại giấy tờ xe sau:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với một số loại xe;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe cơ giới.
Các loại giấy tờ mà người dân mang theo khi điều khiển phương tiện phải là giấy tờ bản chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phù hợp với loại xe mình điều khiển và còn hiệu lực, không thể sử dụng giấy tờ sao in, photo (kể cả sao in có công chứng).
Việc sử dụng giấy phép lái xe bản photo công chứng có thể bị phạt theo quy định ở Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.Mức xử phạt đối với xe máy là 100.000 - 200.000 đồng, với ô tô là 200.000 - 400.000 đồng.
Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe.
Cụ thể, khoản 13 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe (đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ), bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (đối với phương tiện tham gia giao thông đường sắt) kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt”.
Theo đó, trong trường hợp xe vay mua trả góp của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đang giữ bản chính giấy đăng ký xe nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự (thế chấp, mua trả góp…) thì chủ phương tiện khi tham gia giao thông có thể sử dụng bản sao chứng thực, có giấy ngân hàng trên giấy đăng ký xe của mình.Lưu ý, khi tham gia giao thông, người điều khiển phải mang theo cả bản gốc giấy biên nhận còn hiệu lực của tổ chức tín dụng để tránh bị xử phạt.
Như vậy, trong trường hợp xe vay mua trả góp, ngân hàng giữ giấy đăng ký xe, người điều khiển phương tiện vẫn được mang bản photo công chứng và có dấu đỏ của ngân hàng là vẫn đúng quy định.
Ý NHƯ
Cách xử lý sự cố hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế