Dị ứng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến mà nhiều người phải đối mặt hàng ngày, biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào cơ địa và nguyên nhân gây ra. Bài viết này sẽ phân tích các nguyên nhân gây dị ứng, mô tả các triệu chứng thường gặp và đề cập đến các phương pháp điều trị hiện nay, giúp mọi người kiểm soát tình trạng này một cách hiệu quả.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Nguyên nhân gây dị ứng
Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn một chất thông thường, vô hại thành một mối đe dọa nguy hiểm. Phản ứng này bắt đầu khi hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể để chống lại chất gây dị ứng và lưu lại trong máu. Khi tiếp xúc lại với chất gây dị ứng, các kháng thể này kích hoạt giải phóng các hóa chất của hệ thống miễn dịch như histamine, dẫn đến các triệu chứng dị ứng.
Các tác nhân gây dị ứng có thể bao gồm:
- Chất gây dị ứng trong không khí như phấn hoa, vẩy da động vật, mạt bụi và nấm mốc.
- Thực phẩm phổ biến gây dị ứng như đậu phộng, hạt cây, lúa mì, đậu nành, cá, động vật có vỏ, trứng và sữa.
- Côn trùng đốt như ong hoặc ong bắp cày.
- Các loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh thuộc nhóm penicillin hoặc các nhóm tương tự.
- Mủ cao su và các chất khác mà khi mọi người có thể chạm vào có khả năng gây ra kích ứng da.
2. Cơ chế và phản ứng có mấy giai đoạn?
Các tác nhân gây dị ứng khác nhau tác động đến các bộ phận cơ thể theo những cơ chế khác nhau. Bài viết này sẽ tập trung vào cơ chế của sốc phản vệ, phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Sốc phản vệ (Anaphylaxis) là phản ứng dị ứng nghiêm trọng liên quan đến nhiều hệ thống cơ thể khác nhau như da, đường hô hấp và đường tiêu hóa. Phản ứng này xảy ra rất nhanh và có khả năng dẫn đến tử vong. Sốc phản vệ diễn ra với 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn thứ nhất: Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn mẫn cảm. Trong giai đoạn này, dị nguyên xâm nhập vào cơ thể qua các con đường như tiêm, truyền, hít thở, ăn uống hoặc tiếp xúc qua da. Giai đoạn tiềm ẩn kéo dài từ 7 đến 10 ngày, trong đó kháng thể phổ biến nhất là IgE, được sản xuất và liên kết với các bạch cầu ưa bazơ và dưỡng bào.
- Giai đoạn thứ hai: Đây còn được gọi là giai đoạn hóa sinh bệnh. Trong lần tiếp xúc thứ hai với dị nguyên, phân tử IgE kết hợp với dị nguyên, có sự tham gia của bạch cầu ái toan. Sự kết hợp này dẫn đến việc giải phóng một loạt các hoạt chất trung gian như histamin, serotonin, bradykinin, prostaglandin D2 và các leucotrien (như D4 và B4).
- Giai đoạn thứ ba: Còn gọi là giai đoạn sinh lý bệnh. Trong giai đoạn này, các hoạt chất trung gian đã được giải phóng (như histamin, serotonin và các leucotrien) gây ra tình trạng giãn rộng của các động mạch lớn, dẫn đến tụt huyết áp, co thắt phế quản, gây khó thở, co thắt dạ dày và tá tràng, gây đau vùng bụng và co thắt các động mạch não, dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, choáng váng, thậm chí là hôn mê.
3. Đối tượng nào dễ bị dị ứng?
Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dị ứng, bao gồm:
- Trong gia đình có người bị hen suyễn hoặc dị ứng, trong đó bao gồm các triệu chứng như viêm mũi dị ứng, nổi mề đay hoặc chàm.
- Trẻ em thường dễ bị dị ứng hơn người lớn do hệ thống miễn dịch còn non nớt.
- Đã từng bị hen suyễn hoặc các bệnh dị ứng khác.
4. Dấu hiệu của dị ứng
Triệu chứng sẽ thay đổi tùy theo loại chất gây kích ứng và bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng như đường hô hấp, xoang và mũi, da và hệ tiêu hóa. Các phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng và trong một số trường hợp nghiêm trọng, dị ứng có thể gây ra phản ứng nguy hiểm đến tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến:
Viêm mũi dị ứng có triệu chứng như:
- Hắt xì.
- Ngứa mũi, ngứa mắt hoặc vòm miệng.
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Chảy nước mắt, đỏ hoặc sưng mắt (viêm kết mạc).
Dị ứng thực phẩm có triệu chứng như:
- Ngứa trong miệng.
- Sưng môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng.
- Nổi mề đay.
- Sốc phản vệ.
Dị ứng vết côn trùng đốt có triệu chứng như:
- Sưng/Phù to ở vị trí bị đốt hoặc chích.
- Ngứa hoặc nổi mề đay khắp cơ thể.
- Ho, tức ngực, thở khò khè hoặc khó thở.
- Sốc phản vệ.
Dị ứng với thuốc có triệu chứng như:
- Nổi mề đay.
- Ngứa da.
- Phát ban.
- Sưng mặt.
- Thở khò khè.
- Sốc phản vệ.
Viêm da dị ứng, một tình trạng da dị ứng còn được gọi là bệnh eczema với các triệu chứng như:
- Ngứa.
- Nổi mụn nước.
- Đóng vảy hoặc tróc vảy.
- Sốc phản vệ.
5 Chẩn đoán
Trong quá trình chẩn đoán các tình trạng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, sốc phản vệ hay tình trạng dị ứng khác, các bác sĩ sử dụng nhiều phương pháp để tìm ra chất gây kích ứng cụ thể.
5.1 Chẩn đoán dị ứng: Phản ứng trên da
Để tìm kiếm sự xuất hiện của kháng thể IgE đặc hiệu, các bác sĩ thường ưu tiên sử dụng phương pháp thử nghiệm dị ứng trên da hơn xét nghiệm máu. Lý do là vì thử nghiệm trên da thường cho kết quả cụ thể hơn và nhạy hơn, đồng thời quy trình này cũng đơn giản và chi phí thấp hơn.
Trong thử nghiệm này, một lượng nhỏ các tác nhân gây kích ứng tiềm năng như chiết xuất phấn hoa, cỏ, đậu phộng và các nguồn khác được đưa vào da thông qua một ống tiêm nhỏ hoặc bằng cách dùng kim chích nhẹ. Các khu vực tiêm được đánh dấu bởi mực màu không gây dị ứng để theo dõi. Nếu bị dị ứng, các phản ứng (chẳng hạn như sự xuất hiện của mẩn đỏ) sẽ xuất hiện trong khoảng từ 30 phút đến một giờ sau khi thực hiện kiểm tra.
5.2 Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu cũng được áp dụng để phát hiện dị ứng qua việc đánh giá nồng độ kháng thể IgE trong huyết thanh của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh chàm, nhiễm ký sinh trùng,... cũng có mức IgE cao. Do đó, xét nghiệm máu để đo IgE không được khuyến khích trong các xét nghiệm dị ứng.
6. Điều trị
Gần đây, các kỹ thuật điều trị dị ứng đã tiến bộ đáng kể. Các biện pháp điều trị và phòng ngừa thường nhấn mạnh việc hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mẫn cảm với phấn hoa hay các dị nguyên trong không khí, việc tránh hoàn toàn là một thử thách lớn.
6.1 Liệu pháp dùng thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng để ngăn chặn dị ứng hoặc ngăn kích hoạt các tế bào và quá trình gây dị ứng. Những thuốc này bao gồm:
- Thuốc kháng histamine.
- Glucocorticoids.
- Epinephrine (adrenaline).
- Theophylline.
- Natri cromolyn.
6.2 Liệu pháp miễn dịch
Bệnh nhân sẽ được tiêm các chất gây kích ứng với liều lượng tăng dần. Phương pháp này có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn phản ứng kích ứng. Liệu pháp này can thiệp vào quá trình sản xuất kháng thể IgG để ngăn chặn sự sản xuất quá mức IgE. Nghiên cứu đã cho thấy liệu pháp miễn dịch này hiệu quả lâu dài và có khả năng phòng ngừa sự phát triển của các dị ứng mới.
Một phương pháp miễn dịch khác bao gồm việc tiêm tĩnh mạch các kháng thể đơn dòng chống IgE (Anti-IgE). Các kháng thể này có khả năng liên kết với IgE tự do hoặc IgE đã gắn với tế bào B, nhưng không liên kết với IgE đã gắn với thụ thể Fc trên basophils và tế bào mast.
Hình thức miễn dịch thứ ba là miễn dịch đường dưới lưỡi, liệu pháp này được thực hiện tại nhà với các viên ngậm dưới lưỡi trong vài năm.
7. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Hãy gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu bị dị ứng và các loại thuốc chống dị ứng không kê đơn không làm giảm được các triệu chứng. Nếu các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, hãy liên hệ với bác sĩ đã kê đơn thuốc đó.
Đối với các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, hãy gọi 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu gia đình có bút tiêm tự động epinephrine (như Auvi-Q, EpiPen hoặc loại khác) hãy sử dụng ngay cho người bệnh. Ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện sau khi tiêm epinephrine, người nhà cũng nên đưa người bệnh đến khoa cấp cứu để đảm bảo các triệu chứng không quay trở lại khi thuốc tiêm hết tác dụng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng giúp khách hàng đánh giá tổng quan về tình trạng bệnh đồng thời tư vấn các biện pháp giúp phòng tránh bệnh tái phát.
Khi đăng ký gói khám và tư vấn điều trị viêm da cơ địa dị ứng, khách hàng sẽ được: Khám chuyên khoa Da liễu. Thực hiện các xét nghiệm như: định lượng IgE, vi nấm soi tươi, định lượng IgE đặc hiệu với các dị nguyên dị ứng hô hấp - thức ăn (Panel 1 Việt), xét nghiệm Rida Allergy Screen (panel 1)...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org; Nhs.uk