1. Mắc cúm B bao lâu thì khỏi?
Cúm B khá lành tính và chỉ tìm thấy ở người và đây cũng là loại cúm ít nguy hiểm hơn so với cúm A. Những triệu chứng của bệnh cũng thường không quá nghiêm trọng, nó tương tự với những triệu chứng của bệnh cúm thông thường.
Sốt có thể do virus cúm B
Sốt là biểu hiện phổ biến của bệnh. Khi nhiễm virus cúm B, bệnh nhân có thể sốt cao lên tới 39-41 độ C. Tình trạng sốt kéo dài và kèm theo nhiều triệu chứng khác như ho nhiều, đau cơ và mệt mỏi. Nếu phát hiện sớm, người bệnh sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người khác, có hướng xử trí bệnh kịp thời, phòng tránh biến chứng nghiêm trọng, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.
Những biểu hiện cho thấy, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt:
- Đối với người lớn: Sốt cao kéo dài, khó thở, chóng mặt, đau tức ngực, nôn nhiều, tiêu chảy,...
- Đối với trẻ sơ sinh: Trẻ bị sốt kèm theo tình trạng phát ban, sốt cao, nôn nhiều, da tái xanh, bỏ ăn, bỏ bú, li bì, khó thở, thở gấp,...
Trẻ sơ sinh cũng dễ bị nhiễm cúm B
Thông thường, qua thời gian ủ bệnh và khởi phát triệu chứng, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh sau khoảng 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, những người bệnh như trẻ nhỏ, người già, mẹ bầu và các bệnh nhân đã có bệnh lý nền thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn và đồng thời nguy cơ biến chứng bệnh cũng cao hơn.
2. Cúm B và những biến chứng thường gặp
Như đã nêu trên, cúm B là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh cũng có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là những biến chứng về đường hô hấp, chẳng hạn như:
- Viêm phổi tiên phát: Một số dấu hiệu cảnh báo biến chứng này là tình trạng sốt cao kéo dài và dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng đáng kể, người bệnh khó thở, ho có đờm, da tái, chân tay run, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
- Viêm phổi thứ phát: Dễ xảy ra ở nhóm bệnh nhân có sức đề kháng yếu. Sau khi đã hạ sốt khoảng 2 đến 3 ngày, người bệnh có biểu hiện sốt cao trở lại. Kèm theo đó là tình trạng đau tức ngực, cơ thể suy kiệt, rất mệt mỏi và khó chịu,...
Không những vậy, khi mắc bệnh cúm, các bệnh nền của bệnh nhân cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không được xử trí kịp thời, điều trị theo đúng phác đồ, bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm với nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Biến chứng về tim mạch: Có thể kể đến như tình trạng viêm cơ tim, suy tuần hoàn…
- Các biến chứng về thần kinh: Chẳng hạn như viêm não, viêm đa dây thần kinh,...
- Một số biến chứng ở trẻ sơ sinh như viêm tai, viêm xương chũm hay tình trạng nhiễm độc thần kinh.
- Phụ nữ mang thai bị cúm B có thể gặp biến chứng nghiêm trọng đối với cả mẹ bầu và thai nhi như gây dị tật thai nhi hay nguy cơ sảy thai.
3. Phải làm sao khi mắc cúm B?
Hiện nay, chưa có loại thuốc đặc trị đối với virus cúm B và phương pháp điều trị chủ yếu là cải thiện triệu chứng, nâng cao sức đề kháng và thể trạng cho người bệnh để sớm hồi phục sức khỏe và hạn chế tối đa những nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Chỉ nên dùng thuốc nếu có chỉ định của bác sĩ
- Tùy theo những bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc có cần dùng thuốc hay không và nên dùng những loại thuốc nào. Một số loại thuốc thường được chỉ định trong quá trình điều trị bệnh như thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc kháng sinh đối với tình trạng bội nhiễm,.... Nếu bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng virus. Không nên tự ý mua và dùng thuốc vì nếu dùng thuốc sai cách, bệnh không khỏi mà còn có thể nghiêm trọng hơn.
- Người bị cúm B cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể. Nếu sốt cao quá hoặc sốt cao kéo dài thì cần đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời.
- Bệnh cúm có thể lây nhiễm vì thế, bệnh nhân không nên tiếp xúc với người khác, không nên đến những nơi đông người.
- Trong thời gian nghỉ ngơi và điều trị tại nhà, bệnh nhân cũng cần đảm bảo đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên súc miệng, nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch, thông thoáng đường hô hấp.
- Lưu ý, không nên khạc nhổ bừa bãi và vệ sinh rác thải của người bệnh đúng cách.
- Cần bổ sung cho người bệnh đa dạng thực phẩm để đảm bảo bổ sung đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng để có thể chống lại virus một cách hiệu quả nhất. Nên cho người bệnh ăn cháo, súp và uống nước ép trái cây vì những loại thực phẩm này dễ ăn, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho bệnh nhân và cũng rất dễ tiêu hóa.
Người bệnh nên ăn cháo hoặc những món ăn mềm, dễ nuốt
Bên cạnh đó, người bệnh sẽ có biểu hiện mệt mỏi và chán ăn, bạn không nên ép người bệnh ăn quá nhiều. Thay vì thế, nên chia nhỏ các bữa ăn để họ cảm thấy ngon miệng hơn, bớt áp lực về vấn đề ăn uống khi cơ thể đang khó chịu và mệt mỏi. Đặc biệt, người bệnh cũng cần uống nhiều nước hơn, tránh để cơ thể bị mất nước.
- Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối trong không gian thoáng mát. Thường xuyên vệ sinh phòng và những đồ vật, dụng cụ mà người bệnh sử dụng. Cần giặt riêng đồ của người bệnh.
Hiện nay, phương pháp phòng ngừa cúm được áp dụng phổ biến là tiêm vắc xin. Những trường hợp như mẹ bầu, trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mạn tính,... thì cần lưu ý nhiều hơn đến việc tiêm phòng cúm hàng năm. Đây là cách chủ động bảo vệ sức khỏe rất đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả cao. Việc tiêm vắc xin phòng cúm không đảm bảo 100% bạn không mắc phải căn bệnh này, nhưng nếu bị nhiễm bệnh thì người đã được tiêm phòng cũng thường có triệu chứng nhẹ và hạn chế nguy cơ biến chứng, thời gian bị bệnh cũng rút ngắn hơn so với những người chưa được tiêm vắc xin.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về những triệu chứng cúm B, thời gian bị bệnh trong bao lâu và một số cách điều trị cũng như phòng ngừa bệnh. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám hoặc tiêm phòng cúm, quý khách hàng có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn cụ thể hơn.