Theo một thống kê ở Mỹ, trung bình có hơn 25% người lớn trên 65 tuổi mắc bệnh tiểu đường. Đây là nhóm bệnh nhân có tỷ lệ biến chứng cao nhất. Vậy, chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi bao nhiêu là tốt và làm sao để kiểm soát nhằm kéo dài tuổi thọ?
Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh tiểu đường ở người cao tuổi nguy hiểm như thế nào?
Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi lượng đường trong máu (đường huyết) cao. Tình trạng này kéo dài ở người cao tuổi sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo nghiên cứu, bệnh nhân trên 75 tuổi mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng gặp biến chứng hơn, tỷ lệ tử vong do cơn tăng đường huyết và tỷ lệ nhập viện cấp cứu do biến chứng hạ đường huyết cũng tăng theo.
Người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm sau đây:
- Các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim
- Bệnh thận giai đoạn cuối
- Hạ đường huyết thầm lặng và khó nhận biết
- Suy giảm và rối loạn chức năng nhận thức
- Khuyết tật thể chất (suy giảm thính lực và thị lực, dáng đi bất thường,…)
- Cắt cụt chi dưới
- Đau mạn tính
- Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc làm tăng nguy cơ tương tác thuốc, tác dụng phụ
- Tiểu không tự chủ
- Tăng nguy cơ té ngã và gãy xương
- Lú lẫn, mê sảng
- Mệt mỏi, chóng mặt
- Trầm cảm
- Suy giảm chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, việc kiểm soát và duy trì chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi nằm trong mức cho phép là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, nhằm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi bao nhiêu là tốt?
Chỉ số HbA1C vẫn là “tiêu chuẩn vàng” giúp đánh giá việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường. Hiện nay, chỉ số đường huyết này cũng được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường ở cả người trẻ tuổi.
Khác với mục tiêu đường huyết ở người trẻ tuổi, để đưa ra mục tiêu chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi, chúng ta cần dựa trên các yếu tố quan trọng sau đây:
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
- Bệnh lý nền đi kèm
- Chức năng nhận thức
- Chức năng hành vi bao gồm tình trạng thể chất và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày (như tắm rửa, đi vệ sinh, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, mặc quần áo, ăn uống, sử dụng điện thoại, tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, quản lý tài chính, làm việc nhà, nấu ăn và sắp xếp phương tiện đi lại)
- Nguy cơ hạ đường huyết
- Tuổi thọ có thể đạt được.
Các mục tiêu chỉ số đường huyết của người cao tuổi có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Bởi ở người cao tuổi, nguy cơ mắc các bệnh cấp tính sẽ cao hơn và những thay đổi thường xuyên về tình trạng sức khỏe tổng thể, suy giảm nhận chức và thể chất cũng có thể ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát đường huyết. Trong những trường hợp như vậy, điều quan trọng là phải thăm khám sức khỏe thường xuyên và điều chỉnh mục tiêu điều trị khi cần thiết.
Một số tổ chức uy tín trên thế giới đã công bố hướng dẫn về quản lý bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi và đưa ra mục tiêu chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi như sau:
Theo Ban công tác bệnh tiểu đường châu Âu
Vào năm 2011, Ban công tác bệnh tiểu đường châu Âu dành cho người cao tuổi đã công bố hướng dẫn lâm sàng để điều trị bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi (trên 70 tuổi). Đối với mục tiêu chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi, hướng dẫn này chia người lớn tuổi thành 2 nhóm với mục tiêu đường huyết cụ thể như sau:
- Đối với những người không có bệnh lý đi kèm nghiêm trọng khác, mục tiêu chỉ số A1C là 7-7,5% và phạm vi mục tiêu đường huyết lúc đói là 6,5-7,5 mmol/L (117-135 mg/dL) được khuyến nghị.
- Đối với người lớn tuổi sức khỏe yếu và mắc bệnh mạn tính đi kèm, khuyến nghị mục tiêu chỉ số A1C là 7,6-8,5% và phạm vi mục tiêu đường huyết lúc đói là 7,6-9,0 mmol/L (137-162 mg/dL).
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2023, mục tiêu kiểm soát đường huyết đối với một số người lớn tuổi có thể được nới lỏng, nhưng nên tránh tình trạng tăng đường huyết quá mức dẫn đến các triệu chứng hoặc nguy cơ biến chứng tăng đường huyết cấp tính.
Những người lớn tuổi khỏe mạnh, có ít bệnh mãn tính kèm theo và chức năng nhận thức tốt nên có mục tiêu kiểm soát đường huyết thấp hơn (chẳng hạn như A1C <7,0-7,5% [53-58 mmol/mol])
Những người mắc nhiều bệnh mãn tính, có tình trạng suy giảm nhận thức nên có mục tiêu đường huyết ít nghiêm ngặt hơn (chẳng hạn như A1C <8,0% [64 mmol/mol]).
Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế
Năm 2013, Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) đã công bố hướng dẫn toàn cầu “Quản lý người cao tuổi mắc bệnh Đái tháo đường tuýp 2″ và khuyến nghị các mục tiêu đường huyết dành riêng cho từng cá nhân tùy theo tình trạng chức năng hành vi, bệnh lý đi kèm, nguy cơ hạ đường huyết và sự hiện diện của bệnh đái tháo đường ở người lớn tuổi.
Hướng dẫn này cũng chia người lớn tuổi thành ba nhóm chính với các mục tiêu đường huyết khác nhau như sau:
- Đối với người lớn tuổi độc lập về chức năng hành vi, IDF khuyến nghị mục tiêu A1C là 7-7,5%.
- Đối với những bệnh nhân phụ thuộc chức năng hành vi, sức khỏe yếu hoặc bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ, khuyến nghị mục tiêu A1C là 7-8%.
- Đối với những bệnh nhân đang được chăm sóc cuối đời, IDF khuyến cáo nên tránh mục tiêu A1C cụ thể mà thay vào đó tập trung vào việc tránh tình trạng tăng đường huyết có triệu chứng.
Làm sao để duy trì chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi?
Hiểu rõ chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi, bạn cũng cần biết nên làm gì để kiểm soát tốt chỉ số này. Bạn nên áp dụng các mẹo sau đây:
- Trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh mục tiêu chỉ số đường huyết linh hoạt và điều trị khi cần thiết.
- Hạn chế việc kiểm soát đường huyết quá chặt chẽ và phác đồ điều trị bệnh tiểu đường quá phức tạp, như tiêm insulin nhiều lần vào các thời điểm khác nhau trong ngày hoặc quá nhiều loại thuốc hạ đường huyết bởi sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
- Tránh dùng các loại thuốc có nguy cơ hạ đường huyết cao.
- Nhận biết và kiểm soát sớm tình trạng hạ đường huyết thầm lặng.
- Yêu cầu người chăm sóc hỗ trợ nếu cần.
- Sử dụng chuông báo và hộp thuốc để nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, tránh việc quên dùng thuốc.
- Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bệnh nhân bị trầm cảm hoặc có các vấn đề về tinh thần.
- Yêu cầu các thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như: máy trợ thính, kính đeo, gậy và xe tập đi…
- Trao đổi với bác sĩ về một chương trình tập thể dục an toàn dựa trên năng lực thể chất hiện tại.
- Tái khám thường xuyên và mang theo danh sách thuốc đang dùng kèm theo liều lượng chi tiết, bao gồm cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn.
- Hỏi ý kiến bác sĩ và ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào không còn phát huy tác dụng.
- Điều chỉnh lối sống bao gồm: một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh nạp lượng lớn carbohydrate, không nên ăn kiêng quá khắt khe, nếu không thể tập thể dục ngoài trời có thể đi bộ trong nhà khoảng 5-10 phút/lần và từ 2-3 lần/ngày.
Người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường khác với những người trẻ tuổi bởi mục tiêu đường huyết linh hoạt hơn và nguy cơ gặp các biến chứng cũng cao hơn. Người lớn tuổi cũng thường mắc các bệnh lý đi kèm, suy giảm chức năng nhận thức và hành vi cũng gây trở ngại cho việc tự chăm sóc bản thân. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ chỉ số đường huyết của người trên 60 tuổi bao nhiêu là tốt và linh hoạt điều chỉnh mục tiêu điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể để đạt hiệu quả tốt nhất.