1. Nguyên nhân gây ra tiêu chảy
Adenovirus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy. Nhiễm vi-rút gây ra hầu hết các trường hợp tiêu chảy và thường đi kèm với các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình như thường xuyên đi tiêu ra nước, đau quặn bụng và sốt nhẹ. Tiêu chảy do vi rút thường kéo dài khoảng ba đến bảy ngày. Tình trạng nhiễm Adenovirus thường gặp ở mọi lứa tuổi.
Đối với trẻ sơ sinh, nhiễm vi-rút Rota thường là nguyên nhân chính gây tiêu chảy. Ngược lại, Noro là loại vi-rút gây nên dịch bệnh tiêu chảy ở người lớn và trẻ em trong độ tuổi đi học. Bạn có thể bị nhiễm những loại vi-rút này ở trường học, viện dưỡng lão, các phương tiện khi đi du lịch, nhà hàng,... Tiêu chảy do vi khuẩn cũng có thể đi kèm với nôn mửa và chuột rút. Thông thường, nhiễm vi khuẩn xảy ra sau khi ăn thức ăn hoặc đồ uống bị ô nhiễm. Nhiễm khuẩn cũng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thường là nôn mửa, sốt và đau quặn bụng dữ dội và đau bụng tiêu chảy.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị tiêu chảy do các nguyên nhân sau:
- Dịch bệnh tại địa phương hoặc bị nhiễm ký sinh trùng.
- Rối loạn hoặc bệnh đường ruột như viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích,... Chúng có thể gây ra tiêu chảy mãn tính.
- Uống thuốc kháng axit, thuốc giảm cân và thuốc điều trị ung thư (đặc biệt là những thuốc có chứa magie).
- Không ăn uống đủ chất như lactose (với đường có trong sữa) hoặc bị dị ứng với một số thực phẩm chẳng hạn như chất làm ngọt nhân tạo có trong thực phẩm không đường.
- Lạm dụng rượu.
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng.
Xem ngay: Theo dõi và điều trị tiêu chảy cấp tại nhà
2. Các triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của bệnh tiêu chảy
Những triệu chứng thường gặp của bệnh tiêu chảy như:
- Phân lỏng, nhiều nước.
- Đau quặn bụng, đôi khi tiêu chảy sẽ kèm theo đau bụng từ nhẹ đến trung bình. Tình trạng đau bụng dữ dội không quá phổ biến.
- Sốt: Người mắc bệnh có thể bị sốt nhẹ.
- Bụng hơi phình và chướng khí.
- Cảm giác khẩn cấp hoặc cần đi tiêu
- Người lớn thường có cảm giác khát và khô miệng.
- Da của người lớn tuổi bị chùng nhão.
- Trẻ sơ sinh và trẻ em có thể bị trũng mắt, khô miệng và đi tiểu ít hơn bình thường. Trẻ có thể tỏ ra rất buồn ngủ hoặc chán ăn.
Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng có thể gây tiêu chảy, kèm theo phân có máu, sốt và ớn lạnh, choáng váng và chóng mặt, và nôn mửa.
3. Cách chữa đau bụng tiêu chảy tại nhà
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bạn có thể chọn lựa cách điều trị đau bụng tiêu chảy khác nhau. Dưới đây là một số cách chữa đau bụng tiêu chảy tại nhà bạn có thể tham khảo.
3.1. Thuốc chống tiêu chảy
Một số người bị tiêu chảy nhẹ dưới 24 giờ không gặp quá nhiều lo ngại về sức khoẻ và nó có thể tự hết. Một trong những cách trị đau bụng tiêu chảy nhanh nhất là dự trữ sẵn một số loại thuốc trị tiêu chảy. Dùng thuốc chống tiêu chảy có thể có tác dụng ngay tức thời sau liều đầu tiên, nó có thể làm giảm tình trạng phân bị lỏng hoặc hết tiêu chảy đối với trường hợp hợp nhẹ. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc như Imodium hoặc Pepto-Bismol có thành phần tương ứng là loperamide và bismuth subsalicylate. Thành phần hoạt chất trong Imodium làm chậm sự di chuyển của chất lỏng trong ruột. Từ đó, chức năng của ruột được phục hồi một cách nhanh chóng.
3.2. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước cũng là một cách trị đau bụng tiêu chảy tại nhà. Tiêu chảy trong thời gian dài gây ra tình trạng mất nước trong cơ thể. Khi bị tiêu chảy ở mức độ nhẹ, bạn có thể bổng sung nước bằng nước lọc. Sẽ tốt hơn nếu bạn thay thế bằng một ít nước trà hoặc nước ép táo,...
3.3. Uống nước vo gạo
Sử dụng nước vo gạo là một cách trị tiêu chảy tại nhà nhanh và hiệu quả. Bạn có thể thực hiện bằng cách đun sôi 1 cốc gạo và 2 cốc nước trong khoảng 10 phút cho đến khi nước trở nên đục. Sau đó, lọc gạo và chắt lấy nước. Nước vo gạo có tác dụng cung cấp cho cơ thể chất lỏng, giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng mất nước và làm giảm thời gian bị tiêu chảy. Nước vo gạo có tác dụng liên kết trong đường tiêu hóa, giúp phân rắn chắc hơn.
3.4. Nghỉ ngơi
Tiêu chảy lâu ngày sẽ khiến người bệnh có cảm giác mệt mỏi. Nếu có thể, bạn hãy nghỉ ngơi một vài ngày, bổ sung chất dinh dưỡng, nằm nghỉ thoải mái và kèm theo một chai nước ấm để trên bụng. Điều đó sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng tiêu chảy một cách đáng kể.
3.5. Ăn uống hợp lý
Bạn cần tránh xa các loại đồ ăn, đồ uống như phô mai, sữa, cà phê và bột yến mạch,... nếu như đang bị tiêu chảy. Thay vào đó, bạn nên ăn những loại thực phẩm giàu tinh bột như bột sắn, ngũ cốc, cơm trắng hoặc khoai tây. Đặc biệt, đặc tính chống oxy hoá và khử khuẩn từ chất anthocyanosides có trong quả việt quất được xem như một liều thuốc vô cùng hiệu quả làm giảm đau bụng tiêu chảy.
3.6. Ăn lá ổi
Đây là cách trị tiêu chảy lâu đời và đem lại hiệu quả cao đã được lưu truyền trong dân gian. Lá ổi có thể trị tiêu chảy trong thời gian ngắn, đồng thời đem lại nhiều lợi ích cho đường ruột. Lá ổi chứa tanin có công dụng kháng khuẩn, săn niêm mạc và làm giảm tiết dịch ruột.
3.7. Bổ sung các chất trợ sinh
Uống bổ sung probiotic hoặc ăn thực phẩm chứa probiotic như sữa chua cũng có thể ngăn chặn tiêu chảy. Probiotics giúp khôi phục lại sự cân bằng bằng cách cung cấp một lượng vi khuẩn tốt cao hơn. Bổ trợ chất trợ sinh nhằm cải thiện chức năng của ruột, đồng thời rút ngắn thời gian bị bệnh tiêu chảy.
3.8. Gừng nướng
Một trong những bài thuốc dân gian trị tiêu chảy phải kể đến là gừng nướng. Đối với người bị tiêu chảy, buồn nôn do ngộ độc thực phẩm, gừng tươi nướng có thể cải thiện tình trạng này. Bạn có thể thực hiện bằng cách nướng gừng, cạo lớp vỏ, sau đó thái lát mỏng hãm nước uống sẽ rất tốt cho tiêu hoá và điều trị bệnh tiêu chảy.
3.9. Thuốc kháng sinh
Tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng có thể cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Điều này sẽ giảm tình trạng tiêu chảy do nguyên nhân tiếp xúc với thức ăn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt là sau khi đang đi du lịch.
3.10.Chế độ ăn kiêng BRAT
Chế độ ăn kiêng BRAT là một phương pháp ăn uống có thể làm giảm tình trạng đau bụng tiêu chảy. BRAT bao gồm các loại thức ăn là chuối, gạo, táo và bánh mì nướng. Chế độ ăn kiêng này hiệu quả do tính nhạt, giàu tinh bột và ít chất xơ. Những thực phẩm này có tác dụng liên kết trong đường tiêu hóa cải thiện tình trạng của phân.
Trên đây là một số cách trị tiêu chảy tại nhà hiệu quả. Trong trường hợp bệnh tiêu chảy diễn ra dai dẳng và không thuyên giảm thì bạn hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.