Sa tử cung là gì? Đâu là dấu hiệu nhận biết sa tử cung? Cách kiểm tra sa tử cung ra sao? Hướng điều trị như thế nào và các biện pháp phòng ngừa cụ thể ra sao? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất để bạn đọc có thể giải quyết các câu hỏi trên một cách dễ dàng nhất.
Tổng quan về tình trạng sa tử cung
Tử cung là một trong những cơ quan không thể thiếu của hệ thống sinh sản. Cơ quan này nằm trong vùng chậu và có hình dáng gần giống như quả lê. Đây là nơi mà thai làm tổ và phát triển. Trong suốt quá trình mang thai, tử cung không ngừng giãn nở để phù hợp với sự phát triển của em bé và sau khi sinh tử cung lại co hồi để trở lại kích thước như khi chưa có thai. Vậy sa tử cung là gì?
Sa tử cung còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như sa sinh dục hay sa dạ con. Tình trạng này xảy ra khi các cơ và dây chằng thuộc sàn chậu bị kéo căng và suy yếu. Sự suy yếu của các cấu trúc hỗ trợ cho phép tử cung có thể di chuyển ra khỏi vị trí bình thường vốn có và tụt vào phía trong của âm đạo. Tình trạng này có khả năng rút ngắn chiều dài của âm đạo, thậm chí là sa xuống và nhô ra phía ngoài qua cửa âm đạo.
Phân loại
Sa tử cung có thể khác nhau theo từng người và sự khác nhau này tùy thuộc vào sự nâng đỡ của tử cung bị yếu đi như thế nào. Sa tử cung được chia thành 2 mức độ:
- Sa tử cung một phần: Tử cung có thể đã bị trượt và lọt vào ống sinh âm đạo, hình thành một cục u hoặc một khối phồng lên.
- Sa tử cung hoàn toàn: Đây là mức độ sa tử cung nghiêm trọng hơn, tử cung có thể đã trượt xa tới mức có thể sử dụng tay để kiểm tra sa từ cung. Lúc này, khi bạn sờ theo cách kiểm tra sa tử cung bằng tay sẽ thấy nó đã nằm phía bên ngoài âm đạo.
Biểu hiện và triệu chứng
Nếu như sa tử cung ở mức độ nhẹ, chị em có thể không nhận thấy bất cứ triệu chứng nào rõ ràng ngoại trừ việc cảm thận thấy hoặc nhìn thấy âm đạo căng phồng, cảm giác đau nhức lưng do căng dây chằng treo tử cung.
Tuy nhiên, nếu tử cung trượt ra khỏi vị trí xa hơn, có thể gây áp lực lên các cơ quan vùng chậu khác chẳng hạn như bàng quang, ruột… gây ra các triệu chứng như:
- Triệu chứng đường âm đạo: Cảm giác nặng nề và cảm nhận thấy áp lực bên trong vùng chậu, nhìn hoặc cảm nhận được khối phồng, người bệnh có cảm giác nặng nề hoặc có áp lực đè ép lên âm đạo, âm đạo tiết dịch bất thường hoặc tiết dịch quá nhiều, cổ tử cung lọt qua lỗ âm đạo, đau vùng chậu, đau bụng dưới hoặc đau nhức lưng.
- Triệu chứng tiết niệu: Thường xuyên nhiễm trùng bàng quang, gặp các vấn đề về tiểu tiện như đi tiểu nhiều, tiểu không tự chủ, tiểu són hoặc tiểu gấp.
- Triệu chứng tiêu hoá: Đầy hơi, phân rắn hoặc lỏng không kiểm sát, táo bón, đôi lúc phải dùng tay hoặc rặn để việc đại tiện được dễ dàng hơn.
- Triệu chứng tình dục: Người phụ nữ thường cảm thấy đau hoặc khó khăn khi quan hệ tình dục từ đó giảm cảm giác tình dục.
Theo các chuyên gia, việc đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài có thể khiến các triệu chứng của sa tử cung nêu trên trở nên trầm trọng hơn bởi vận động nhiều sẽ khiến trọng lực tạo áp lực lên các cơ ở vùng chậu.
Cách kiểm tra sa tử cung
Thực tế cho thấy, không phải chị em nào cũng hiểu rõ về cách kiểm tra sa tử cung. Nhiều chị em băn khoăn việc kiểm tra sa tử cung có thể tiến hành tại nhà được không hay bắt buộc phải đến viện?
Theo các chuyên gia, việc chẩn đoán xác định sa tử cung chủ yếu dựa trên việc bác sĩ thăm khám vùng chậu và kiểm tra xem tử cung có nằm đúng vị trí không hay đã có dấu hiệu sa.
Trong quá trình thăm khám phụ khoa, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nằm ngửa hoặc đứng và rặn để kiểm tra sàn chậu. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá được mức độ tử cung trượt vào âm đạo của bạn. Đồng thời, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đứng hoặc nằm và siết chặt cơ sàn chậu để kiểm tra sức mạnh của cơ sàn chậu.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo và tử cung dưới sự hỗ trợ của mỏ vịt từ đó giúp phát hiện khối u hoặc khối phồng do tử cung sa xuống ống âm đạo.
Để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng sa tử cung, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng như siêu âm và xét nghiệm niệu động học. Trong đó, siêu âm sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh phụ khoa liên quan còn xét nghiệm niệu động học sẽ được chỉ định khi nghi ngờ búi sa tử cung chèn ép lên bàng quang.
Điều trị sa tử cung
Sau khi đã thực hiện các cách kiểm tra sa tử cung và phát hiện bệnh, tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh và mong muốn của bệnh nhân có muốn có em bé trong tương lai nữa hay không mà bác sĩ sẽ vạch ra hướng điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị sa tử cung bao gồm:
Phương pháp phẫu thuật
Cắt tử cung là phương pháp cổ điển nhất trong điều trị phẫu thuật sa tử cung. Phương pháp này có thể được áp dụng trong các trường hợp sa tử cung nặng và tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cắt một phần hoặc cắt toàn bộ tử cung.
Ngoài ra, treo tử cung qua đường nội soi ổ bụng, mở bụng hở hay qua âm đạo nhằm hồi phục cấu trúc sàn chậu và sự nâng đỡ tử cung cũng là một trong những phương pháp phẫu thuật điều trị sa tử cung.
Phương pháp không phẫu thuật
Ngoài phẫu thuật, tình trạng sa tử cung có thể được cải thiện thông qua một số phương pháp khác như:
- Tập luyện bài tập cơ sàn chậu: Kegel là bài tập đặc biệt có thể giúp hỗ trợ tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu. Phương pháp này có thể mang lại hiệu quả trong những trường hợp sa tử cung nhẹ.
- Tập các bài tập vật lý trị liệu sàn chậu dưới sự hỗ trợ của máy tập sàn chậu chuyên sâu.
- Ngoài ra, sa tử cung còn có thể được điều trị bằng phương pháp đặt vòng nâng tử cung ở phía trong âm đạo hoặc liệu pháp thay thế estrogen.
Cách phòng ngừa tình trạng sa tử cung
Để giảm nguy cơ phải đối mặt với tình trạng sa tử cung, chị em có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học và lành mạnh, duy trì cân nặng ở ngưỡng hợp lý.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tập yoga hoặc ngồi thiền.
- Nói không với thuốc lá và hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thức uống có cồn hoặc chất kích thích.
- Tránh nâng vác vật nặng bởi nâng vác vật nặng sẽ khiến cho các triệu chứng của sa tử cung trở nên trầm trọng hơn và ngày càng khiến cho các cấu trúc nâng đỡ sàn chậu bị suy yếu.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về tình trạng sa tử cung mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Mong rằng, qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về tình trạng này đồng thời nắm được cách kiểm tra sa tử cung, phương pháp điều trị cũng như các mẹo ngăn ngừa tình trạng sa tử cung. Hãy tiếp tục theo dõi kênh sức khoẻ của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích bạn nhé.
Xem thêm: Siêu âm có phát hiện sa tử cung không?