Sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone trong kỳ kinh làm sưng hạch bạch huyết và đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn bị đau ngực trước kỳ kinh. Vậy có cách nào để giảm bớt cảm giác đau ngực trước kỳ kinh hay không? Cùng tìm hiểu về những thay đổi của ngực trước kỳ kinh nguyệt và các cách giảm nhẹ cơn đau trong thời gian này.
Những thay đổi của ngực trước khi đến kỳ kinh nguyệt
Thông thường, trước kỳ kinh 2 tuần bạn có thể cảm thấy đau ngực, đây là khoảng thời gian trứng rụng, buồng trứng giải phóng trứng để chuẩn bị cho sự thụ tinh.
Tuy nhiên, không hẳn khi nào bạn vẫn cảm thấy ngực bị sưng và đau là do chuẩn bị tới kỳ kinh mà có thể do nhiều nguyên nhân khác như ung thư vú, uống thuốc điều trị bệnh, viêm vú, phẫu thuật ngực,…
Nếu ngực bạn sưng đau khi chuẩn bị tới ngày hành kinh, bạn có thể sẽ thấy một số dấu hiệu của ngực sau đây:
- Ngực sưng đau: Ngực sưng và đau âm ỉ ở cả hai bầu ngực hoặc đôi khi chỉ thấy đau nhói từng cơn. Tính chất cơn đau có thể rơi vào khoảng 1 - 2 tuần trước khi hành kinh.
- Ngực thay đổi kích thước: Khi sờ vào ngực, bạn sẽ cảm nhận vú đầy đặn hơn hoặc thô còn núm vú tăng nhạy cảm hơn so với mức bình thường.
- Ngực giảm đau khi bắt đầu hành kinh: Các triệu chứng đau ngực sẽ giảm và gần như biến mất ngay khi bạn bắt đầu hành kinh. Mỗi khi hành kinh thì việc mặc áo ngực thường xuyên hoặc mặc quần áo chật thì tình trạng đau ngực và vú cũng khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn bình thường.
Nguyên nhân bị đau ngực trước kỳ kinh
Đau ngực trước kỳ kinh có thể xảy ra do các nguyên nhân khác ngoài việc sắp hành kinh, bao gồm:
- Tắc sữa.
- Nhiễm trùng vú, viêm vú khi cho con bú.
- Mô vú bị xơ hóa, làm cho ngực dày hơn và có thể gây đau hơn khi tới thời gian hành kinh.
- Ngực to, nặng.
- Tiền sử phẫu thuật vú.
- Chấn thương ở vùng ngực.
- Sử dụng thuốc điều trị nội tiết tố.
- Dùng một số loại thuốc như methyldopa,digitalis, thuốc lợi tiểu, spironolactone, chlorpromazine hoặc oxymetholone.
- Ung thư vú cũng có thể gây đau vú, trong đó có một dạng ung thư vú hiếm gặp gọi là ung thư vú viêm với biểu hiện đỏ, đau hoặc sưng ở vú. Những triệu chứng này thường chỉ xuất hiện ở một vú.
Các cách giảm đau ngực trước kỳ kinh
Liệu rằng có biện pháp nào làm giảm tình trạng này hay không? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một vài cách mà bạn có thể áp dụng để giảm tình trạng đau tức ngực trước kỳ kinh sau đây:
Mặc áo ngực thoải mái
Tốt nhất trong thời gian sắp tới kỳ kinh bạn nên chọn những áo ngực có size phù hợp, bạn có thể mặc áo không gọng và có kích thước thoải mái một chút so với vòng ngực của bạn. Bên cạnh đó, bạn nên chọn những chiếc áo ngực với chất liệu mềm, có tính đàn hồi và dễ chịu để cảm thấy thoải mái nhất.
Massage ngực nhẹ nhàng
Massage ngực nhẹ nhàng với dầu dừa, dầu ô liu, dầu mù tạt cũng là cách tốt giúp giảm đau ngực trước kỳ kinh. Massage ngực sẽ làm tăng lưu lượng máu tới ngực và tăng lượng bạch huyết, giúp vùng ngực mềm mịn và đàn hồi hơn. Hơn nữa, thói quen massage ngực thường xuyên cũng sẽ giúp vòng ngực của bạn trông căng đầy, quyến rũ hơn.
Bạn có thể massage ngực theo những bước sau:
- Xoa hai lòng bàn tay với nhau để tay có độ ấm và mềm.
- Nhẹ nhàng đặt lòng bàn tay lên hai ngực.
- Massage ngực theo chuyển động tròn từ ngoài vào trong. Tay phải của bạn di chuyển theo chiều kim đồng hồ và tay trái di chuyển ngược chiều kim đồng hồ.
- Xoa tay nhẹ nhàng trên ngực, mỗi lần xoa ngực nên kéo dài trong vài giây. Hãy giảm áp lực của tay khi bạn cảm thấy đau ở vú.
- Bạn nên massage ngực ít nhất năm phút và không quá 15 phút. Thực hiện 2 lần/1 ngày trong ít nhất một tháng để nhận thấy hiệu quả bất ngờ.
Chườm nóng hoặc lạnh
Chườm nóng là một liệu pháp vật lý trị liệu có thể giúp bạn cải thiện lưu lượng máu đến mô vú khi nhiệt độ tăng. Chườm nóng vùng ngực có thể giúp làm dịu sự khó chịu và giảm những cơn đau ngực trước kỳ kinh.
Bạn lấy khăn bông loại mềm thấm vào nước nóng, vắt khô và sau đó chườm lên bầu vú hoặc cho nước ấm vào bình sữa rồi dùng khăn mỏng quấn quanh chai sữa và chườm vú, lăn từ dưới bầu vú lên đầu ti. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng túi sưởi khô, miếng đệm nóng, túi sưởi ấm để chườm vào vùng ngực bị đau trong vòng 15 - 20 phút.
Bạn lưu ý không nên sử dụng chườm nóng khi mắc một số bệnh như viêm da, tiểu đường, cao huyết áp, huyết khối tĩnh mạch sâu hay đa xơ cứng.
Bên cạnh việc chườm nóng, bạn cũng có thể chườm lạnh để ngăn ngừa giảm đau ngực trước kỳ kinh bằng cách dùng túi nước đá hoặc gói gel đông lạnh bọc trong khăn và chườm lên ngực. Thời gian chườm lạnh chỉ nên kéo dài trong tối đa 15 phút và không chườm trực tiếp lên da.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Hạn chế caffeine
Một số phụ nữ cảm thấy sau khi từ bỏ việc sử dụng caffeine đã giảm tình trạng sưng ngực. Tuy nhiên, cách này phải cần mất hơn 6 tháng để cảm thấy sự khác biệt với bộ ngực của bạn. Hạn chế sử dụng nước ngọt, cà phê, trà, chocolate cũng như một số loại thuốc không kê đơn.
Giảm lượng chất béo
Bạn thực hiện chế độ ăn ít chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Việc này sẽ giúp làm giảm nồng độ estrogen và giảm tình trạng căng tức ngực trước kỳ kinh.
Trong thời gian hành kinh, bạn nên bổ sung những thực phẩm từ cá, các loại đậu, các loại hạt, sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, dầu ô liu, dầu hạt đen, dầu hoa anh thảo và dầu lưu ly.
Bổ sung vitamin
Bạn có thể sử dụng vừa phải một số loại vitamin đã được các bác sĩ khuyến cáo để giảm đau ngực là vitamin B6, vitamin E. Những thực phẩm có chứa hai loại vitamin này là cải bó xôi, cải cầu vồng, cây cải cay, cải xoăn, củ cải xanh, các loại trái cây, các loại hạt và đậu…
Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp bạn nhận biết được tình hình hiện tại của bản thân và có thể áp dụng các biện pháp để giảm tình trạng đau ngực trước kỳ kinh. Bạn nên đánh dấu lại cẩn thận chu kỳ kinh nguyệt của mình để xác định tình trạng đau ngực của bạn có phải do hành kinh hay không. Nếu thấy ngực hoặc cơ thể có những biểu hiện khác bất thường ngoài chu kỳ kinh thì bạn nên tìm đến các bác sĩ để được thăm khám, phát hiện nguyên nhân và điều trị sớm.
Xem thêm:
- Hỏi đáp: Đau ngực khi mang thai bao lâu thì hết?
- Thắc mắc: Tức ngực khó thở là bệnh gì?