1. Xì hơi nhiều - nguyên nhân do đâu?
1.1. Nguyên nhân bên ngoài
- Thói quen sinh hoạt
Nếu một người bị xì hơi nhiều thì có thể xuất phát từ những thói quen tạo điều kiện cho không khí đi vào cơ thể rồi tích tụ thành khí:
Thường xuyên nhai kẹo cao su dễ làm tích tụ khí trong đường ruột nên bị xì hơi nhiều
+ Hay ăn đồ ăn nhanh, nhai kẹo cao su.
+ Uống thức uống có ga.
+ Hay bị căng thẳng, stress.
- Tác dụng của một số loại thuốc
Có một số loại thuốc như: thuốc kháng axit, thuốc chống viêm không steroid, thuốc trị tiêu chảy, thuốc trị nấm, thuốc trị táo bón,... nếu dùng có thể gây xì hơi nhiều.
- Đi máy bay
Sự chênh lệch về độ cao so với mặt nước biển khi đi máy bay làm cho lượng khí bên trong cơ thể nở ra gây đầy hơi vì thế mà nhiều người bị xì hơi khi đi máy bay.
Ngoài ra, ăn các thức ăn khó tiêu cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị xì hơi.
1.2. Nguyên nhân bên trong
Hiện tượng xì hơi nhiều còn có thể xuất phát từ một số bệnh lý như:
- Táo bón
Bị táo bón kéo dài rất dễ xì hơi liên tục vì có nhiều phân tích tụ trong ruột già và bị các vi khuẩn tại đây phân hủy sau đó giải phóng khí hơi. Càng bị táo bón kéo dài càng khiến phân tích tụ trong ruột lâu và kết quả là bị xì hơi nhiều và nặng mùi.
- Không dung nạp lactose
Đây là tình trạng ruột non không sản xuất đủ lượng enzyme lactase để phân hủy lactose có trong sữa và những sản phẩm làm từ sữa. Vì thế khi tiêu thụ thực phẩm chứa lactose thì người bệnh không thể hấp thụ hết lactose ở ruột non, lượng lactose còn thừa sẽ đến ruột già và làm cho vi khuẩn ở đây lên men rồi sinh ra khí metan.
Người bị hội chứng không dung nạp lactose thường xì hơi nhiều sau khi uống sữa
Nếu sau khi dùng sữa hay các sản phẩm từ sữa khoảng 30 phút - 2 giờ mà thấy xì hơi nhiều, chướng hoặc đau bụng,... thì có thể đã mắc bệnh không dung nạp lactose.
- Không dung nạp gluten (bệnh Celiac) Khi cơ thể có vấn đề về việc tiêu hóa gluten - protein thì dễ nhầm gluten là chất gây hại và quay sang tấn công chúng rồi khiến cho niêm mạc ruột non bị tổn thương. Người mắc hội chứng không dung nạp gluten dễ bị xì hơi nhiều, chướng bụng, đầy hơi, táo bón, thiếu máu, đau khớp, đau đầu,...
- Hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng
Việc dùng thuốc kháng sinh hay áp dụng chế độ ăn ít chất xơ có thể làm cho hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng và sinh ra tình trạng xì hơi nhiều. Ngoài ra, hội chứng loạn khuẩn cũng có thể làm vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non, cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng và gây ra hiện tượng đầy hơi, xì hơi nhiều,...
- Hội chứng ruột kích thích
Người mắc hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện triệu chứng: táo bón, tiêu chảy, đau bụng, xì hơi nhiều và có mùi nặng,...
2. Khi nào bị xì hơi nhiều nên đến bác sĩ?
2.1. Xì hơi như thế nào là bình thường?
Xì hơi (trung tiện) vốn chỉ là phản ứng của cơ thể để thải khí ra ngoài. Khi cơ thể có nhu cầu xì hơi, hậu môn sẽ tự động mở rộng để tạo đường cho hơi thoát ra ngoài, có thể kèm theo âm thanh và hơi, có thể không có mùi nhưng cũng có thể có mùi đặc trưng. Với trường hợp này, xì hơi là hiện tượng sinh lý bình thường cho thấy cơ thể đang khỏe mạnh.
Tuy nhiên, xì hơi còn là yếu tố phản ánh sức khỏe của hệ tiêu hóa. Trung bình mỗi ngày cơ thể thải khí khoảng 20 lần và đầy hơi là do đường tiêu hóa chứa quá nhiều không khí. Do đó, nếu xì hơi trong khoảng này thì có thể yên tâm đó là việc bình thường.
Bị xì hơi nhiều bất thường nên khám bác sĩ tiêu hóa để tìm nguyên nhân
Tuy xì hơi là nhu cầu tự nhiên của cơ thể nhưng nó lại dễ tác động, khiến cho tâm lý con người cảm thấy ngại ngùng chốn công cộng. Để giảm bớt tần suất xì hơi, bạn nên:
- Hạn chế nhai kẹo cao su.
- Trong khi ăn cần nhai thật kỹ và ăn thật chậm.
- Hạn chế uống đồ có gas vì trong đó có nhiều cacbonat dễ làm tích khí ở trong bụng.
- Tránh dùng đường hóa học.
- Ăn ít đậu, súp lơ xanh hay bắp cải vì những thực phẩm này dễ làm số lần xì hơi tăng lên.
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để giảm thiểu căng thẳng lên hệ tiêu hóa, giúp thức ăn được hấp thu dễ hơn và cũng sẽ giảm lượng khí tích tụ trong cơ thể.
2.2. Trường hợp xì hơi nhiều nên can thiệp y tế
Nếu xì hơi nhiều kèm theo các hiện tượng sau thì người bệnh cần thận trọng vì nó có thể cảnh báo sức khỏe đường tiêu hóa đang có vấn đề:
- Hay bị tiêu chảy.
- Đau bụng một cách bất thường kèm theo cảm giác buồn nôn và hay bị nôn mửa.
- Đại tiện ra máu
Những dấu hiệu trên đây thường gặp ở bệnh viêm loét đại tràng, tiêu chảy cấp, bệnh Celiac,... cần được bác sĩ chuyên khoa khám để chẩn đoán đúng nguyên nhân gây xì hơi. Với các trường hợp bị xì hơi nhiều trong thời gian dài xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Cần lưu ý rằng, dù bị xì hơi nhiều do nguyên nhân nào thì cũng không nên kiềm chế hành động này vì nó khiến cho không khí bị kẹt trong cơ thể từ đó khiến cho bạn bị xì hơi nhiều hơn. Không những thế, việc làm này còn khiến cho dạ dày bị khó chịu và dễ dẫn đến đầy bụng.
Mong rằng với những chia sẻ này bạn đọc đã hiểu hơn về hiện tượng xì hơi nhiều và nhận diện được trung tiện như thế nào là bất ổn để không bỏ qua việc thăm khám để điều trị nguyên nhân bệnh lý gây ra hiện tượng này.