Thủy đậu là bệnh lý truyền nhiễm do tác nhân virus gây ra với biểu hiện lâm sàng nhiễm trùng ngoài da gây phát ban, phỏng rộp có chứa dịch mủ, khiến vùng da/niêm mạc dễ bị tổn thương và kích ứng. Nếu không được chăm sóc kịp thời và đúng cách, trẻ mắc bệnh thủy đậu có nguy cơ cao biến chứng, di chứng, nhập viện và thậm chí tử vong. Do đó, bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì? chăm sóc như thế nào và ăn gì để nhanh khỏi là thắc mắc được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
BS Đoàn Thị Khánh Châm - Quản Lý Y khoa vùng 2 - miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: “Thủy đậu lưu hành ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ở những vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, điển hình là Việt Nam, bệnh thủy đậu lưu hành mạnh mẽ và phổ biến hơn cả. Có ít nhất 90% trẻ em dưới 15 tuổi và 95% người lớn bị mắc thủy đậu. Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, do đó phòng ngừa bệnh bằng việc tiêm đầy đủ, đúng lịch 02 mũi vắc xin thủy đậu cho trẻ em và người lớn là rất quan trọng trong việc chặn đứng nguy cơ mắc bệnh, biến chứng, nhập viện điều trị và tử vong.”Tổng quan về bệnh thủy đậu ở trẻ em
Thủy đậu ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có biểu hiện sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong.
Tác nhân gây thủy đậu ở trẻ em là virus Varicella Zoster, thuộc họ Herpes virus, có khả năng lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần với vùng da tổn thương hoặc niêm mạc. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu/người lành mang trùng; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4 - 5 ngày) và cho đến khi những nốt phát ban đóng vảy.
Trẻ sơ sinh, trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch do đang mắc bệnh, điều trị, dùng thuốc điều trị ức chế miễn dịch hoặc trẻ em chưa có miễn dịch do chưa mắc bệnh thủy đậu trước đây hoặc chưa tiêm đầy đủ 02 mũi vắc xin phòng bệnh thủy đậu là những đối tượng nguy nguy cơ cao, dễ mắc bệnh thủy đậu nhất.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường diễn biến theo 4 giai đoạn chính, bao gồm:
- Giai đoạn ủ bệnh
Thường không xuất hiện triệu chứng nhận biết điển hình, kéo dài từ 10 - 21 ngày, phổ biến nhất là 14 - 17 ngày.
- Giai đoạn tiền khởi phát
Sau khi thời kỳ ủ bệnh kết thúc, trẻ em thường bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khởi phát mang tính báo hiệu như cơ thể mệt mỏi, uể oải, đau nhức các cơ, sốt cao từ 37,8 - 39,4 độ C. Các triệu chứng khởi phát thường kéo dài từ 3 - 5 ngày, sau đó giảm dần.
- Giai đoạn toàn phát
Sau khi các triệu chứng khởi phát giảm dần và biến mất hẳn khoảng 1 - 2 ngày, các triệu chứng điển hình của thủy đậu ở trẻ em xuất hiện.
Các phát ban ửng đỏ và sưng lên trên vùng da ở mặt và thân mình, sau đó lan ra tất cả các vùng da khác trên khắp cơ thể. Ban đầu, các nốt ban xuất hiện dưới dạng các dát sần, sau vài giờ hoặc vài ngày dần phát triển thành các phỏng nước nhỏ, hình tròn hoặc hình bầu dục, có kích thước khoảng 5 - 10 milimet, gồ lên cao hơn so với các vùng da xung quanh và có viền màu đỏ xung quanh. Khi các vết phỏng rộp lõm xuống và dịch phỏng chảy ra, quá trình thoái triển bắt đầu.
Những nốt phỏng này không xuất hiện và rời đi đồng loạt, thay vào đó, chúng thường nổi lên theo từng đợt liên tiếp trong vòng 2 - 4 ngày. Do đó, trên mỗi một vùng da, có thể quan sát thấy tất cả các giai đoạn phát triển của phát ban, từ dát sần, sưng đỏ, phỏng rộp, mụn nước đến các vảy khô bong tróc.
- Giai đoạn hồi phục
Ban đầu, các nốt phỏng rộp chứa dịch có màu trắng trong suốt, đục dần hóa mủ theo thời gian, sau đó thoái triển, dịch mủ chảy, vết thương đóng vảy, bong tróc và rụng vảy dần sau 1 - 2 tuần, để lại trên da những vết sẹo lõm có độ sâu hơi nông nhẹ.
Chỉ mất khoảng 14 - 31 ngày sau khi những triệu chứng khởi phát xuất hiện, bệnh thủy đậu ở trẻ em sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong những trường hợp trẻ không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời, nguy cơ thuỷ đậu biến chứng rất cao và diễn biến vô cùng nặng nề. Các biến chứng do thủy đậu ở trẻ em thường gặp gồm có:
- Biến chứng bội nhiễm: vùng tổn thương bội nhiễm tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn gây mủ, nguy cơ cao nhập viện và tử vong.
- Biến chứng thần kinh trung ương: viêm tiểu não, viêm não, viêm màng não, rối loạn tiểu não, hội chứng thần kinh Reye và Guillain-Barré, thường xuất hiện sau phát ban khoảng 21 ngày.
- Biến chứng tim mạch: viêm mạch máu, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
- Biến chứng phổi thủy đậu: là biến chứng nguy hiểm nhất, nguy cơ cao nhất dẫn đến suy hô hấp, ho ra máu và tử vong, thường xảy ra sau phát ban khoảng 1 - 6 ngày.
- Biến chứng dạ dày - ruột: viêm gan, viêm ruột thừa, viêm cầu thận cấp…
Các biến chứng khác có thể bao gồm viêm khớp, xuất huyết ngoài da, xuất huyết đa tạng… Đối với trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh thủy đậu, nguy cơ cao tử vong hoặc biến chứng thủy đậu nặng, thủy đậu chu sinh, gây dị tật bẩm sinh, thiểu năng, tổn thương da, teo não,…
Tầm quan trọng của việc kiêng khem trong điều trị thủy đậu ở trẻ nhỏ
Thuỷ đậu là bệnh lý truyền nhiễm do tác nhân virus gây ra với triệu chứng nhiễm trùng ngoài da, do đó việc kiêng khem trong quá trình điều trị vô cùng quan trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ - là các đối tượng dễ tổn thương, chưa có đầy đủ ý thức về mức độ nghiêm trọng của thủy đậu gây ra. [1]
1. Ngăn ngừa sự lây lan của bệnh
Thủy đậu là bệnh lý truyền nhiễm có khả năng lây lan vô cùng nhanh chóng chỉ qua các tiếp xúc trực tiếp thông thường. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ, việc kiêng khem là vô cùng quan trọng giúp chặn đứng sự lây lan của virus từ người bệnh sang người khỏe mạnh, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát các ổ dịch nhỏ trong gia đình, trường học, thậm chí lây lan bệnh trong cộng đồng.
2. Giảm thiểu nguy cơ biến chứng
Thủy đậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa cùng nhiều vấn đề nghiêm trọng khác đến sức khỏe người bệnh. Đặc biệt ở trẻ em với hệ miễn dịch còn non nớt, chưa hoàn thiện, nguy cơ biến chứng và tử vong do thuỷ đậu rất cao. Do đó, việc kiêng khem một cách khoa học, theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể giúp tình trạng bệnh lý của trẻ diễn biến nhẹ nhàng hơn, giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng, nhập viện, tử vong và các di chứng tổn thương hệ thống thần kinh, vận động lâu dài.
3. Rút ngắn được thời gian điều trị
Bên cạnh đó, việc kiêng khem đúng cách và đúng thời điểm giúp cơ thể trẻ tránh khỏi sự tiếp xúc với các tác nhân bất lợi có thể khiến tình trạng bệnh lý của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Từ đó giúp cơ thể không bị phân tán bởi việc bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân này mà hoàn toàn tập trung cho quá trình phục hồi và khỏi bệnh của trẻ, giúp trẻ có thể vượt qua giai đoạn mắc bệnh thủy đậu thuận lợi hơn, nhanh chóng trở lại với tình trạng sức khỏe thông thường.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì để nhanh khỏi?
Việc kiêng khem trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu cho trẻ có tầm quan trọng rất lớn nhằm ngăn ngừa sự lây lan của bệnh, giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng và thúc đẩy quá trình làm lành, phục hồi. Vậy bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì?
1. Trẻ bị thuỷ đậu kiêng ăn gì?
- Thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh
Không chỉ khi trẻ đang mắc thủy đậu, ngay cả khi trẻ đang ở trạng thái sức khỏe bình thường, cũng không nên/hạn chế cho trẻ ăn những loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn hay những món thức ăn nhanh như khoai tây chiên, pizza, gà rán, các loại bánh chiên, cơm phần chế biến sẵn, bim bim… Bởi đây là những loại thực phẩm có hại cho cơ thể, không chỉ làm rối loạn tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến tim mạch và thần kinh. [2]
Đối với trẻ đang bị thủy đậu, những loại thức ăn này có thể khiến tuyến mồ hôi hoạt động mạnh mẽ hơn, tăng tiết nhờn ngoài da, khiến tình trạng nhiễm trùng ngoài da trở nên nghiêm trọng hơn, khó phục hồi. Trong những trường hợp không được vệ sinh đúng cách, tình trạng dầu nhờn tích tụ trên những vết thương đang nhiễm trùng vô tình tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các virus, vi khuẩn, vi nấm hay các tác nhân bên ngoài môi trường khác phát triển mạnh, làm lây lan phỏng rộp, kéo dài thời gian điều trị, nguy cơ cao bội nhiễm, biến chứng và sẹo khó lành
- Thực phẩm chứa nhiều axit: nho, dứa, cà chua, trái cây, nước ép cam quýt, thực phẩm ngâm giấm…
Các nốt phỏng rộp do thủy đậu có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, thậm chí ở các khu vực miệng mạc miệng, mắt, môi,… Do đó, việc tiêu thụ những loại thực phẩm chứa nhiều axit có thể khiến tình trạng phỏng rộp trở nên nghiêm trọng hơn, lở loét, viêm nhiễm, lan rộng sang các vùng niêm mạc lân cận như hầu họng, thanh quản, ảnh hưởng xấu đến khả năng hô hấp, gây ra những cơn đau rát, sót, ngứa ở mức độ nghiêm trọng.
Những loại thực phẩm chứa nhiều axit cũng có thể gây ra những kích thích mạnh đến vùng niêm mạc dạ dày, gây ra cảm giác cồn cào, đau đớn trong ổ bụng, đặc biệt ở đối tượng trẻ nhỏ có cơ quan tiêu hóa đang trong quá trình phát triển, rất dễ nhạy cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của trẻ khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, không hợp tác trong quá trình điều trị thủy đậu, tình trạng bệnh lý trở nên khó kiểm soát hơn, kéo dài thời gian điều trị và hồi phục của trẻ.
Do đó, trong giai đoạn điều trị bệnh thủy đậu, cần hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều axit như cam, chanh, quýt, tắc, nho, dứa, cà chua, dấm, củ cải, thực phẩm muối chua,…
- Thực phẩm cứng, giòn
Nhóm thực phẩm cứng, giòn có thể làm tổn thương các mụn nước, phỏng rộp do thủy đậu ở các vùng niêm mạc miệng, lưỡi, nguy cơ cao viêm nhiễm nặng hơn, lây lan nhanh chóng, kéo dài thời gian mắc bệnh, lâu khỏi, lâu phục hồi, dễ bội nhiễm, biến chứng, ảnh hưởng đến cả hệ thống tiêu hóa và hô hấp của trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ ăn những loại thực phẩm cứng, giòn, vùng niêm mạc, vùng da ở miệng và các vùng lân cận như má, cằm, hàm, cổ,… bị ảnh hưởng bởi những tác động mạnh hơn từ cơ nhai, khiến các phỏng rộp ngoài da có thể vỡ, chảy dịch, lây lan, dễ nhiễm trùng và bội nhiễm.
Do đó, phụ huynh/ người chăm sóc trẻ cần tuyệt đối không cho trẻ ăn những loại thực phẩm cứng, giòn như đồ chiên giòn, kẹo, bánh, bắp rang bơ, bim bim, các loại hạt, quả hạch,…
- Các loại thịt gây kích ứng: dê, chó, gia cầm, lươn…
Các loại thịt động vật như thịt dê, thịt cừu, thịt chó, thịt gà và gia cầm nói chung, thịt lươn,… có chứa lượng histamin lớn, đặc biệt đối với những loài động vật đã chết, lượng chất histidine của chúng sẽ chuyển hóa thành histamin.
Histamin bình thường là dưỡng chất có lợi nhưng khi cơ thể trẻ hấp thụ quá nhiều, nhất là khi trẻ đang mắc thủy đậu, histamin sẽ gây kích ứng nặng, gây ngứa ngáy, sưng đỏ và nhiều phản ứng dị ứng khác khiến tình trạng các vết nhiễm trùng phỏng rộp trở nên nghiêm trọng hơn, viêm nhiễm khó kiểm soát, kìm hãm quá trình hồi phục của bệnh, nguy cơ cao sẹo xấu sau khi khỏi bệnh.
- Hải sản, thực phẩm tanh
Hải sản và nhóm thực phẩm tanh cũng có hàm lượng histamin lớn, làm tăng kích ứng da, nghiêm trọng hóa tình trạng nhiễm trùng vết thương do thủy đậu gây ra, khiến da khó lành, dễ để lại sẹo, đặc biệt ở những đối tượng là trẻ em có cơ thể non nớt, nguy cơ kích ứng và gặp các phản ứng dị ứng cao hơn.
Do đó, khi trẻ bị thủy đậu, cần hạn chế cho trẻ tiêu thụ các loại thủy hải sản và thực phẩm tanh như: cá, tôm, mực, ốc, nghêu, sò, hến, bạch tuộc, cua, gan,… và các chế phẩm từ các loại thực phẩm này như cá viên, chả cua, trứng mực, thanh cua,…
- Các thức ăn làm từ nếp
Các loại thức ăn làm từ nếp như xôi, chè, bánh chưng, bánh dày, bánh cuốn, bánh đúc, bánh giò,… có chứa hàm lượng rất cao các nhóm tinh bột, thúc đẩy và kéo dài quá trình mưng mủ, viêm nhiễm ở những người đang có vết thương như các phỏng rộp, mụn nước do thủy đậu gây ra, khiến quá trình hồi phục và làm lành thương tổn bị ức chế, khiến trẻ mắc thủy đậu kéo dài, nguy cơ cao biến chứng nặng, nhập viện điều trị.
Ngoài ra, những thức ăn làm từ nếp còn gây ra tình trạng khó tiêu, gây ra áp lực cho hệ thống tiêu hóa, khiến cơ thể bị suy nhược, sức đề kháng bị suy giảm, kéo dài thời gian mắc bệnh và phục hồi.
- Thực phẩm có sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, bơ, kem, phô mai,… tuy đều là những thực phẩm vô cùng bổ dưỡng nhưng đều chứa các hoạt chất xúc tác kích thích tuyến mồ hôi sản xuất dầu tự nhiên, chất béo trong sữa cũng có thể làm da tăng sự nhờn rít trên da, làm gia tăng các triệu chứng ngứa ngáy, viêm nhiễm, nguy cơ bội nhiễm, biến chứng và lở loét da kéo dài, khiến bệnh thủy đậu ở trẻ lâu khỏi.
- Thức ăn mặn
Các loại thức ăn chế biến mặn như thịt cá kho, đồ muối, đồ nướng, bơ mặn, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, trứng muối,… khi được cơ thể tiêu thụ sẽ khiến có thể mất nước nhanh chóng, khiến tình trạng da trở nên khô ráp, ảnh hưởng xấu đến tình trạng viêm nhiễm trên da, tăng kích thích da, gây ngứa ngáy, khó chịu,…
2. Những hoạt động cần kiêng bố mẹ cần lưu ý
Trong quá trình điều trị thủy đậu ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần chú ý kiêng khem những hoạt động sau đây để hỗ trợ quá trình hồi phục của trẻ:
- Cách ly trẻ tại nhà, không đến nơi đông người
Thủy đậu là bệnh lý với khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Việc cách ly trẻ tại nhà, tránh để trẻ tiếp xúc với người khác và hạn chế đến những nơi đông người là một trong những biện pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của thủy đậu, không chỉ giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có hại ngoài môi trường gây ra tình trạng bội nhiễm thủy đậu mà còn bảo vệ người khác khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.
Đồng thời, trong quá trình cách ly, phụ huynh/ người chăm sóc trẻ cũng cần tránh để trẻ tiếp xúc với những người thân trong gia đình, tránh bùng phát ổ dịch trong gia đình, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nguy cơ lây lan ra cộng đồng, tác động tiêu cực đến chất lượng sống chung.
- Lưu ý tránh để bé gãi, chà hay tác động lên các nốt thủy đậu
Thủy đậu gây ra những vết phỏng rộp ngứa ngáy vô cùng khó chịu, trẻ thường có xu hướng cào gãi hoặc chà xát vùng da bị tổn thương để thỏa mãn cơn ngứa. Tuy nhiên, hành động này gây ra tình trạng trợt loét vết thương, diễn biến viêm nhiễm nặng nề hơn, dễ lan rộng ra các vùng da lân cận, nguy cơ cao nhiễm trùng phụ và bội nhiễm, kéo dài thời gian điều trị và phục hồi.
Do đó, phụ huynh cần giữ cho trẻ trạng thái tâm lý và cảm xúc ổn định, thật bình tĩnh để giáo dục trẻ về những nguy cơ có thể xảy ra nếu trẻ tác động lực lên vết thương. Nếu chẳng may trẻ quá ngứa, muốn gãi lên vùng da thương tổn, cần tạo ra những hành động đánh lạc hướng trẻ, khiến trẻ quên đi cơn ngứa. Đồng thời, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh tay và cơ thể trẻ sạch sẽ, cắt móng tay kỹ càng, đeo găng tay mỏng cho trẻ khi có thể,…
- Không dùng chung đồ với trẻ đang bị thủy đậu
Tuyệt đối không dùng chung hoặc tiếp xúc da/niêm mạc với đồ dùng cá nhân của trẻ đang bị thủy đậu như quần áo, khăn mặt, khăn tắm, đồ chơi, ga giường, chăn màn,… Vì virus thủy đậu có thể khu trú trên các vật dụng này từ vài giờ đến vài ngày và có thể lây lan cho những người khác nhanh chóng nếu chẳng may tiếp xúc phải.
Do đó, các đồ dùng cá nhân của trẻ mắc thủy đậu cần được giặt giũ, vệ sinh, sát khuẩn thật kỹ và cần được sử dụng riêng biệt hoàn toàn so với những thành viên khác trong gia đình. Điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh thủy đậu trong gia đình, đảm bảo chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi và khỏi bệnh.
- Không kiêng tắm
Trong giai đoạn mắc bệnh, việc tắm rửa, lau chùi vết thương sạch sẽ giúp trẻ giảm ngứa và khó chịu do các phát ban, phỏng rộp gây ra. Nếu không được tắm rửa và vệ sinh cơ thể sạch sẽ, vùng da bị tổn thương sẽ tích tụ nhiều dầu thừa, bụi bẩn và da chết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại bên ngoài môi trường sinh sôi, phát triển và xâm nhập vào vết thương, gây ra tình trạng bội nhiễm thủy đậu cực kỳ nguy hiểm ở trẻ em.
⇒ Xem thêm: Bị thủy đậu có được tắm không? Kiêng nước có giúp bệnh nhanh khỏi?
- Hạn chế cho bé vận động mạnh hay chơi đùa tốn sức
Việc trẻ nô đùa, kích động hay vận động mạnh khiến các vùng da/niêm mạc ở các cơ vận động bị tác động lực lớn, làm tăng cao nguy cơ vỡ/chạy dịch từ các nốt phỏng rộp, thúc đẩy quá trình lây lan, viêm nhiễm của vết thương.
Bên cạnh đó, việc vận động mạnh, chơi đùa quá sức có thể khiến trẻ tăng tiết mồ hôi, khiến dịch tiết cơ thể, bã nhờn, tế bào chết và mồ hôi bám rít trên da, tăng cao nguy cơ nhiễm trùng, lở loét và kích ứng da, khiến các triệu chứng trở nên nặng nề hơn.
Ngoài ra, việc vận động tốn sức còn làm cơ thể trẻ nhanh chóng suy nhược, ảnh hưởng xấu đến quá trình làm lành vết thương, khỏi bệnh và phục hồi.
- Tránh hoạt động kích thích não bộ như xem tivi, chơi game
Việc gây ra các tác động kích thích não bộ thông qua hoạt động chơi game, xem tivi hay bấm điện thoại có thể khiến trẻ nhạy cảm hơn với việc nhận biết và cảm nhận những triệu chứng ngứa rát, đau nhức và mệt mỏi, kích thích trẻ cào gãi hoặc chà xát vết thương, khiến diễn biến vết thương ngoài da trở nên nghiêm trọng hơn, dễ để lại sẹo xấu sau thủy đậu.
Ngoài ra, tivi, máy chơi game, điện thoại, máy tính bảng,… thường chứa rất nhiều vi khuẩn, vi nấm, bụi bẩn, khi trẻ tiếp xúc bằng tay sau đó đưa tay lên mặt, sờ nắn các vết thương có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng phụ, nguy cơ cao bội nhiễm, lở loét, viêm nhiễm kéo dài, thời gian khỏi bệnh và phục hồi bị trì hoãn.
- Không nên tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ
Tự ý mua thuốc để tự điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể mang đến những hậu quả không mong muốn đối với tình trạng của trẻ mắc thủy đậu.
Mỗi loại thuốc đều có tác động và liên quan đến tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi người, đặc biệt thủy đậu do virus gây ra, việc sử dụng thuốc kháng virus không có sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và tương tác thuốc không mong muốn, thậm chí làm tình trạng bệnh thủy đậu ở trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Do đó, thay vì tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị thủy đậu tại nhà cho trẻ, cần nhanh chóng tìm kiếm sự thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để được tiếp nhận chẩn đoán chính xác và đưa ra các chỉ định điều trị và hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách, đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị, rút ngắn thời gian phục hồi.
Nên cho trẻ ăn gì, làm gì khi điều trị thủy đậu?
Khi điều trị thủy đậu, bên cạnh những thực phẩm cần kiêng khem, phụ huynh/ người chăm sóc trẻ cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để thúc đẩy quá trình phục hồi, tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể có đủ sức chiến đấu với virus gây hại. Các thực phẩm có thể ăn được cho trẻ khi đang mắc thủy đậu gồm có:
1. Các thực phẩm nên cho trẻ ăn
- Thức ăn mềm
Các loại thức ăn mềm thường dễ nuốt và dễ tiêu hóa, ít gây tác động lên các vùng da/cơ/niêm mạc tham gia vào quá trình dung nạp và tiêu hóa của trẻ, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe chung và ức chế quá trình phục hồi của cơ thể.
Các loại thức ăn mềm nên chế biến và cho trẻ em gồm có: cháo, súp, canh, khoai tây nghiền, khoai lang, trứng bác, đậu hũ,…
- Thực phẩm mát
Những thực phẩm mát như sữa chua, kem ít đường, sinh tố, nước ép,… góp phần làm dịu da, giảm triệu chứng ngứa và kích ứng do các nốt phỏng rộp thủy đậu gây ra.
- Thực phẩm nhạt
Các loại thực phẩm nhạt như cháo yến mạch, chè hạt sen, thức ăn chế biến hấp, luộc, hầm,… giúp cơ thể dễ hấp thụ, hạn chế tối đa dư lượng gia vị có hại không cần thiết trong cơ thể, giảm thiểu tình trạng kích ứng, tăng tiết mồ hôi, gây viêm nhiễm trên các vết thương.
- Trái cây và rau củ không chứa axit
Các loại trái cây, rau củ quả không chứa axit như dưa hấu, táo, chuối, dưa gang, quả mọng, dưa leo, bông cải xanh, rau chân vịt,… hầu hết đều là những loại thực phẩm tốt, giàu vitamin và nhiều dưỡng chất có lợi khác, dễ ăn, dễ nuốt, ít gây kích ứng da, rất tốt cho quá trình điều trị và phục hồi thủy đậu ở trẻ em.
- Uống đủ nước và cung cấp các thực phẩm giàu nước
Nước là nguồn cung cấp chất điện giải dồi dào cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng, đồng thời giúp tạo độ ẩm cần thiết cho làn da, nhất là những vùng da bị nhiễm trùng do thủy đậu, giúp giảm triệu chứng ngứa rát, khó chịu hiệu quả. Đồng thời, nước cũng được xem là chất dẫn rất tốt cho việc tiêu thụ thực phẩm, chuyển hóa dinh dưỡng và đưa chúng đi nuôi các tế bào của cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh, rút ngắn thời gian mắc bệnh và giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Các nguồn nước có lợi mà trẻ có thể uống gồm có: nước lọc, nước dừa, trà thảo độc, đồ uống có chất điện giải, sinh tố, nước ép, trái cây,… Bên cạnh đó, cần tránh tuyệt đối các loại nước uống có hại cho cơ thể, ức chế quá trình hồi phục như nước đường, nước ngọt, rượu bia, cà phê, nước tăng lực,…
Theo nhiều nghiên cứu, đối với trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, cần được cung cấp ít nhất 0,7 lít nước/ngày; 0,8 lít nước/ngày đối với trẻ từ 7 - 12 tháng tuổi; 1,3 lít nước/ngày đối với trẻ từ 1 - 3 tuổi và 1,7 lít nước/ngày đối với trẻ từ 4 - 8 tuổi. Khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, lượng nước cũng tăng lên đáng kể và phân hóa rõ rệt theo giới tính:
- Trẻ từ 9 - 14 tuổi: Bé gái cần tối thiểu 2,1 lít nước/ngày và 2,4 lít nước/ngày đối với bé trai.
- Trẻ từ 14 - 18 tuổi: Bé gái cần tối thiểu 2,3 lít nước/ngày và 3,3, lít nước/ngày đối với bé trai.
2. Thực đơn mẫu cho bé đang mắc thủy đậu
Để phụ huynh/ người chăm sóc trẻ bị thủy đậu có thể hình dung rõ hơn về chế độ dinh dưỡng khoa học của trẻ khi bị thủy đậu, có thể tham khảo mẫu thực đơn như sau (lưu ý: lượng thức ăn cần thay đổi linh hoạt theo sức ăn và nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt của mỗi trẻ)
Bữa ănThực đơnBữa sáng- ½ bát bột yến mạch (khoảng 92 gram);
- 1 quả trứng bác;
- 1 quả chuối;
- ⅓ quả bơ (khoảnh 50 gram, nên ưu tiên bơ sáp đặc);
- Nước lọc.
- ½ chén cơm gạo lứt (khoảng 100 gram);
- 1 phần rau bina xào (khoảng 224 gram);
- ½ ly sữa chua mix cùng quả mọng và bơ hạnh nhân (khoảng 118ml sữa chua);
- Nước lọc.
- Thịt gà luộc (chỉ khoảng 84 gram để bổ sung protein có lợi, không nên cho trẻ em nhiều);
- ½ bát khoai tây nghiền mịn (khoảng 105 gram);
- 1 phần bông cải xanh hấp (khoảng 156 gram);
- 1 ly sinh tô mix dâu, chuối (khoảng 237 gram);
- Nước lọc.
3. Những hoạt động nên làm
- Cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc
Phụ huynh cần khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế hoạt động, vận động mạnh và ngủ đủ giấc khi trẻ đang mắc thủy đậu để cơ thể trẻ có nhiều thời gian thư giãn, phục hồi năng lượng, tăng cường sản sinh hormone và tế miễn dịch cùng sức đề kháng, phục vụ tích cực cho quá trình chống lại bệnh tật, thúc đẩy nhanh chóng quá trình phục hồi.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
Các tác nhân gây bệnh bên ngoài môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn, virus, vi nấm,… có thể bám và tồn tại nhiều giờ đến vài ngày trên các bề mặt xung quanh môi trường sống. Chúng chực chờ tiếp xúc và lây nhiễm lên cơ thể trẻ, gây ra tình trạng bội nhiễm thủy đậu, tình trạng viêm nhiễm, lở loét trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài thời gian điều trị.
Do đó, cần chú ý khuyến khích trẻ rửa tay, vệ sinh và sát khuẩn tay sạch sẽ, thường xuyên bằng xà phòng hoặc các sản phẩm khử trùng chuyên dụng khác để loại bỏ các tác nhân gây bệnh, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm thêm các tác nhân khác gây bội nhiễm.
- Giữ vệ sinh môi trường sống của trẻ
Các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus có thể sinh sôi và phát triển nhanh chóng trong môi trường ô nhiễm, kém vệ sinh. Do đó, phụ huynh/ người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường dưỡng bệnh của trẻ bằng việc vệ sinh khử trùng đồ chơi, quần áo, khu vực vệ sinh cá nhân, khu vực sinh hoạt và nghỉ ngơi của trẻ. Môi trường sống sạch sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lây nhiễm và cải thiện sức khỏe của trẻ.
⇒ Xem thêm: Cách vệ sinh khi bị thủy đậu.
Một số kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị thủy đậu bố mẹ cần nắm
Việc chăm sóc trẻ bị thủy đậu yêu cầu sự quan tâm đặc biệt, bố mẹ cần lưu ý
1. Theo dõi sức khỏe, triệu chứng của bé thường xuyên
Bố mẹ cần chăm sóc trẻ bị thủy đậu cần chú ý theo dõi sức khỏe và triệu chứng của bé thường xuyên, để ý quan sát các biểu hiện như ngứa, đau, sốt hoặc bất kỳ triệu chứng nào không bình thường khác. Ngay khi có bất kỳ dấu hiệu đáng chú ý nào, phụ huynh cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để đảm bảo trẻ nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời và phù hợp.
2. Thực hiện các cách giảm ngứa và khó chịu cho trẻ
Thủy đậu gây ra những cơn ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và tâm lý của trẻ. Do đó, phụ huynh cần tích cực thực hiện các phương pháp giảm ngứa cho trẻ như chườm mát tại các vùng da có nốt phỏng rộp của thủy đậu, tắm cho trẻ với bột yến mạch, tắm với trà hoa cúc lành tính nhằm làm dịu da, kháng viêm, khử khuẩn, ngăn ngừa nguy cơ lây lan, nhiễm trùng, giảm cảm giác ngứa ngáy.
Ngoài ra, phụ huynh còn có thể khuyến khích trẻ không gãi lên vùng da tổn thương, thoa kem dưỡng, lotion chứa calamine giúp làm dịu da, giảm ngứa hiệu quả. Đồng thời, cần ưu tiên lựa chọn và mặc cho trẻ những trang phục rộng rãi, mỏng nhẹ và thoáng mát, hạn chế chà xát lên vết thương, làm lây lan, viêm nhiễm, ngứa ngáy.
3. Bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất
Chế độ dinh dưỡng khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hỗ trợ điều trị và chăm sóc trẻ bị thủy đậu. Phụ huynh/ người chăm sóc trẻ nên tăng cường bổ sung thêm vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn uống của trẻ, sau khi được tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Đặc biệt, vitamin C vô cùng có lợi cho việc thúc đẩy quá trình làm lành, phục hồi và khỏi bệnh với khả năng kháng viêm, tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, tăng sinh collagen ngăn ngừa sẹo lõm sau thủy đậu.
Phòng ngừa thủy đậu ở trẻ em như thế nào?
Hiện nay, chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu bệnh thủy đậu, khi mắc bệnh chỉ có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ điều trị và chăm sóc khoa học để đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh, nếu không được thực hiện đúng cách, nguy cơ rất cao biến chứng, nhập viện và tử vong. Trong khi đó, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa vô cùng hiệu quả, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm và an toàn bằng việc tiêm chủng vắc xin phòng thủy đậu cho trẻ em.
Tại hàng trăm trung tâm tiêm chủng của hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc hiện đang cung ứng đầy đủ cả 03 loại vắc xin phòng thủy đậu với số lượng lớn cho trẻ em và người lớn. Các loại vắc xin được nhập khẩu trực tiếp, chính hãng từ các hãng vắc xin và tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới: Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ), Varicella (Hàn Quốc).
100% vắc xin tại VNVC đều được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh (Cold Chain) và hệ thống kho lạnh đạt chuẩn Quốc tế GSP quy mô lớn, hiện đại hàng đầu Việt nam, bảo quản số lượng lớn vắc xin trong điều kiện tối ưu, đảm bảo tính toàn vẹn, an toàn và hiệu quả tiêm chủng ở mức cao nhất.
Lịch tiêm vắc xin thủy đậu cho trẻ em cụ thể như sau:
Tên vắc xinVarivax/VaricellaVarilrixNước sản xuất Mỹ/Hàn Quốc Bỉ Bản chất Vắc xin sống, giảm độc lực Vắc xin sống, giảm độc lực Đối tượng Trẻ từ 12 tháng tuổi chưa từng mắc bệnh Trẻ từ 9 tháng tuổi chưa từng mắc bệnh Lịch tiêm cơ bản • Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: Tiêm 02 mũi cách nhau 3 tháng.• Đối với trẻ từ 13 tuổi: Tiêm 02 mũi cách nhau 1 tháng.
• Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi đến 12 tuổi: Tiêm 02 mũi cách nhau 3 tháng.• Đối với trẻ từ 13 tuổi: Tiêm 02 mũi cách nhau 1 tháng.
Ngoài ra, để tối ưu hóa hiệu quả phòng ngừa thủy đậu ở trẻ em, có thể kết hợp áp dụng thêm các phương pháp khác, như hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với những người nghi nhiễm hoặc đang mắc bệnh thủy đậu bởi virus thủy đậu có tốc độ lây truyền mạnh mẽ và vô cùng nhanh chóng từ người bệnh sang người lành.
Đồng thời, cần giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên rửa tay và sát khuẩn tay bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn khác trong ít nhất 20 giây trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và ngay sau khi tiếp xúc với các bề mặt nghi chứa mầm bệnh. Bên cạnh đó, cũng nên giữ vệ sinh môi trường sống của trẻ sạch sẽ, nhằm loại bỏ tối đa các “mầm mống” có khả năng gây bệnh thủy đậu bám trên các vật dụng xung quanh môi trường tiếp xúc của trẻ.
“Bị thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì?” là nỗi lo lắng và băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh. Nếu chẳng may trẻ bị bệnh, cần tránh cho trẻ ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều axit, thực phẩm cứng giòn, các loại thịt gây kích ứng, hải sản, đồ tanh, các thực phẩm từ nếp, sữa, thức ăn mặn.
Đồng thời, cần cách ly trẻ tại nhà, không đến nơi đông người, không kiêng tắm, không vận động mạnh, tránh các hoạt động gây kích thích não bộ và đặc biệt không được tự ý mua và cho trẻ sử dụng các loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Đối với mỗi người cha, người mẹ, sức khỏe con yêu là ưu tiên hàng đầu. Do đó, hay yêu thương và chăm sóc con trẻ đúng cách, giúp con chủ động xây dựng sức khỏe, hệ miễn dịch và đề kháng mạnh mẽ, giúp con tự tin đối đầu với những tác nhân gây hại bên ngoài môi trường như virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm.