Có đến 20% dân số bị nổi mề đay ít nhất một lần trong đời. Bệnh tuy không trực tiếp đe dọa đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều bất tiện, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh nổi mề đay có lây không? Vì sao lan ra khắp cơ thể? BS CKI Nguyễn Thị Kim Dung, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp thắc mắc qua bài viết sau.
Bệnh nổi mề đay có lây không?
Mề đay hay còn gọi là mày đaykhông lây. Nổi mề đay là phản ứng của cơ thể trước các tác nhân từ bên trong hoặc bên ngoài, có thể liên quan cơ chế dị ứng hoặc không dị ứng, gây biểu hiện ở da, niêm mạc và mạch máu, làm xuất hiện các sẩn hoặc mảng phù, kèm theo triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát hoặc châm chích khó chịu. Người bệnh có thể bị nổi mề đay tại một vùng da hoặc nổi ở nhiều khu vực khác nhau trên cơ thể. (1)
Các dạng mề đay
Tùy theo thời gian diễn tiến bệnh, cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân nổi mề đay được chia thành 2 loại: mề đay cấp và mề đay mạn.
- Mề đay cấp: các thương tổn xuất hiện và biến mất trong 24 giờ, khỏi hoàn toàn trong vòng 6 tuần.
- Mề đay mạn: các thương tổn xuất hiện ít nhất 2 lần/tuần, kéo dài hơn 6 tuần. mề đay mạn có thể là mạn tính tự phát, mề đay cảm ứng vật lý và mề đay cảm ứng không do vật lý.
- Mề đay mạn tính tự phát chiếm hơn 80% mề đay mạn tính, xuất hiện không báo trước, không xác định được yếu tố kích thích và khởi phát, có thể liên quan đến yếu tố miễn dịch.
- Mề đay không do vật lý gồm mề đay cholinergic, mề đay do nước, mề đay tiếp xúc.
- Mề đay vật lý gồm: da vẽ nổi, mề đay áp lực, do lạnh, nóng, ánh nắng, rung động.
1. Biểu hiện nổi mề đay
Các biểu hiện có thể bao gồm hồng ban sẩn phù có đường kính không cố định từ vài mm đến vài cm, cảm giác nóng bừng, ngứa ngáy ở nhiều vùng sau đó lan ra toàn thân, người bệnh chỉ cần gãi nhẹ là da sẽ xuất hiện sẩn phù rõ ràng, thường xuất hiện nhanh và mỗi sang thương sẽ biến mất trong 24 giờ… Tình trạng nặng hơn sẽ kèm theo các biểu hiện như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khó thở,… thậm chí bị sốc phản vệ dẫn tới tử vong.
2. Nổi kèm theo phù mạch
Là hiện tượng giữ nước trong cơ thể gây phù da và niêm mạc, sưng mặt, sưng mắt, các chi và thậm chí cả bộ phận sinh dục. Đặc biệt là sưng niêm mạc họng có thể làm người bệnh khó thở. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể xuất hiện một số biến chứng nguy hiểm như phù thanh quản hoặc lưỡi gà, trực tiếp đe dọa đến tính mạng người bệnh. Dạng phù mạch xuất hiện dấu hiệu phù là chủ yếu, ít ngứa, da có cảm giác căng do phù nề sâu ở tầng hạ bì hoặc bì, có thể kéo dài đến 72 giờ.
Nổi mề đay có tự khỏi không?
Có. Tình trạng nổi mề đay cấp tính có thể tự khỏi và khỏi hoàn toàn trong vài tuần, sẽ không kéo dài quá 6 tuần. Tuy nhiên, đối với tình trạng nổi mề đay mạn tính sẽ lâu khỏi hơn và thường xuyên tái lại, đồng thời có thể gây ảnh hưởng đến những hệ cơ quan khác trong cơ thể như hệ tiêu hóa, hệ cơ xương khớp,… Những trường hợp này cần được điều trị để kiểm soát các triệu chứng kịp thời.
Riêng các ca bệnh mề đay mạn tính tự phát thì khả năng tự khỏi khá thấp và thường tái phát nhiều lần, vậy nên việc điều trị chỉ có hiệu quả tạm thời để giúp giảm ngứa ngáy, khó chịu. Khi bị nổi mề đay, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám nhằm có hướng điều trị thích hợp cũng như tìm ra căn nguyên gây bệnh giúp phòng ngừa tái phát.
Nguyên nhân gây nổi mề đay
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nổi mề đay:
1. Nổi mề đay cấp tính
Nổi mề đay cấp tính thường là phản ứng với các dị nguyên (tác nhân gây dị ứng) chẳng hạn như thức ăn, đồ uống, thuốc,… tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên, hay sau nhiễm khuẩn, ký sinh trùng… Ngoài ra, bạn cũng có thể bị nổi mề đay vì nhiều lý do khác như căng thẳng hoặc do sự thay đổi nhiệt độ, thời tiết.
- Phản ứng với thuốc: mề đay do phản ứng hoặc dị ứng thuốc sẽ xuất hiện ngay sau lần đầu sử dụng thuốc hoặc sau đó (mề đay khởi phát muộn). Các thuốc thường gây nổi mề đay là kháng sinh, kháng viêm không steroid NSAIDs, acid salicylic, opiate,…
- Dị ứng với thức ăn, thực phẩm: là nguyên nhân thường gặp nhất. Những loại thực phẩm có thể gây dị ứng là: tôm, sò, nghêu, ghẹ, cua, cá biển, trứng, đậu phộng, thịt bò, phô mai, mắm các loại,… thức ăn chế biến sẵn chứa chất bảo quản, chất tạo màu,….
- Thời tiết, khí hậu: người bệnh thường nổi mề đay khi thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, do độ ẩm không khí cao,…
- Yếu tố tâm lý: lo âu, căng thẳng, xúc động, áp lực, stress,… cũng là nguyên nhân gây nổi mề đay.
2. Nổi mề đay mạn tính
Không giống như mề đay cấp tính, mề đay mạn tính thường không do dị ứng gây ra mà các nguyên nhân có thể là do bệnh lý tự miễn, nhiễm kí sinh trùng, do các yếu tố vật lý…
- Do bệnh lý tự miễn: bệnh lý tuyến giáp tự miễn, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ,…
- Do virus, vi khuẩn: người mắc viêm gan siêu vi B, C hoặc vi khuẩn Helicobacter pylori trong viêm dạ dày.
- Do ký sinh trùng: nhiễm giun lươn, giun đũa chó Toxocara canis, nhiễm amip Giardia lambia, Entamoeba coli, Entamoeba histolytica… gây nổi mề đay và dễ tái phát nhiều lần về sau.
- Do các yếu tố vật lý: áp lực, thay đổi nhiệt độ, ánh nắng, do nước, rung động, do tiếp xúc (thường gặp do nhựa latex, chất nhuộm, keo, cao su, một số kim loại…)
Vì sao người nổi mề đay thường bị lan ra khắp cơ thể?
Nổi mề đay thường tự khỏi mà không để lại sẹo hay tổn thương da khi cơ thể kiểm soát được phản ứng dị ứng. Nổi mề đay toàn thân là tình trạng mề đay đã trở nên nghiêm trọng, có thể do dị ứng quá mức hoặc cơ thể không đào thải được dị nguyên (tác nhân gây dị ứng).
Đặc biệt, khi biểu hiện này kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm thì người bệnh nên đến bác sĩ thăm khám để được điều trị. Ngoài ra, nếu hiện tượng nổi mề đay toàn thân đi kèm với nặng ngực, khó thở, khàn giọng, buồn nôn, đau quặn bụng thì đây có thể là dấu hiệu báo hiệu của phản ứng phản vệ. Khi gặp tình trạng này, người bệnh nên nhập viện ngay, tránh để bệnh tiến triển nặng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Mề đay ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, chất lượng giấc ngủ và sinh hoạt thường nhật dẫn đến không chỉ tình trạng sức khỏe thể chất mà còn sức khỏe tinh thần đi xuống, bạn không nên quá chủ quan mà nên theo dõi và điều trị bệnh kịp thời.
Khi nào người bệnh cần gặp bác sĩ?
Mề đay có thể tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên nếu gặp các tình trạng dưới đây, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay:
- Mề đay tái phát.
- Ngứa dữ dội.
- Dấu hiệu phản ứng phản vệ bao gồm thở khò khè, khó thở, nặng ngực, đau bụng, buồn nôn hay nôn ói.
- Mề đay kéo dài gây đau rát hay chuyển sang màu tím sẫm.
- Mề đay kèm các dấu hiệu toàn thân như sốt, đau cơ, đau xương, đau khớp, nổi hạch.
- Mề đay tái đi, tái lại trong thời gian dài.
Các cách phòng ngừa bệnh mề đay
Khi bị nổi mề đay, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được thăm khám, chẩn đoán và có phương hướng điều trị hiệu quả, loại trừ nguyên nhân để tránh bệnh tái phát.
- Khi đã xác định được thực phẩm nào gây dị ứng, người bệnh cần tránh không sử dụng các loại thực phẩm này. Ngoài ra, với người có cơ địa nhạy cảm thì cần tránh dùng các chất kích thích như rượu bia, trà và cà phê. Người đang dùng các loại thuốc điều trị như thuốc an thần, thuốc kháng sinh, thuốc đau nhức xương khớp,… cần tham vấn ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ thay đổi loại thuốc nếu cần thiết, tránh nguy cơ xảy ra dị ứng về sau.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giữ cho không gian sống thông thoáng, loại bỏ các tác nhân dễ gây dị ứng như nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa,…
- Hạn chế sử dụng sản phẩm vệ sinh cơ thể và mỹ phẩm dưỡng da có độ pH cao, nhiều tính tẩy rửa và hương liệu.
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nên dưỡng ẩm thường xuyên cho da tránh để da khô sẽ dễ bị kích ứng và tái phát dị ứng theo mùa.
- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Nên mặc quần áo rộng rãi, có chất liệu thông thoáng, hút mồ hôi.
- Thường xuyên vận động, luyện tập thể dục thể thao với cường độ vừa phải để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
Hiện, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da của BVĐK Tâm Anh TP.HCM là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu trong lĩnh vực thẩm mỹ da và điều trị các vấn đề về da tại khu vực miền Nam. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tâm với khách hàng và được đào tạo chuyên môn sâu các kỹ thuật điều trị da tiên tiến, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da của bệnh viện đã giúp hàng ngàn bệnh nhân khắc phục các vấn đề về thẩm mỹ và sức khỏe da.
Mỗi người bệnh sẽ được đội ngũ bác sĩ thăm khám, tư vấn biện pháp điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bệnh viện còn sở hữu nhiều thiết bị, máy móc tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại cùng quy trình khám chữa bệnh tối ưu giúp mang lại trải nghiệm điều trị và kết quả tốt nhất cho khách hàng.
Hy vọng bài viết trên đã giải đáp câu hỏi của độc giả về vấn đề “Bệnh nổi mề đay có lây không?”. Tuy bệnh mề đay không lây nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, khi phát hiện ra những triệu chứng của bệnh, bạn nên đi khám ngay để được điều trị bệnh kịp thời và tránh tái phát bệnh.