Dấu hiệu thai vào tử cung luôn là điều mà các mẹ quan tâm khi bước vào hành trình mang thai. Ở một số chị em lần đầu làm mẹ sẽ khá bỡ ngỡ đến các giai đoạn phát triển của thai nhi. Những dấu hiệu nào cho thấy phôi làm tổ thành công? Hay thai chưa vào tử cung thử que có lên không? Cùng đi tìm lời giải trong bài viết dưới đây nhé!
Phôi làm tổ là gì?
Phôi làm tổ là hiện tượng phôi tiến vào buồng tử cung thông qua ống dẫn trứng để bắt đầu quá trình thụ thai. Tình trạng này thường bắt đầu từ ngày 6-8 sau khi được thụ tinh, thời gian làm tổ sẽ kéo dài từ 7-10 ngày và quá trình là tổ sẽ kết thúc vào ngày 13-14 sau khi thụ tinh. Thông thường vị trí làm tổ của phôi sẽ nằm ở phần đáy tử cung, phần niêm mạc tử cung ở giai đoạn trước kinh sẽ phát triển đầy đủ để chuẩn bị cho phôi làm tổ (giai đoạn hoài thai).
Trong một số trường hợp bất thường, phôi có thể làm tổ ở vị trí thấp hơn, gần lỗ trong của ống cổ tử cung. Phần nhau thai sẽ bị một phần hoặc toàn bộ lỗ trong ống tử cung tạo nên tình trạng nhau tiền đạo. Phôi thai cũng có thể làm tổ ở vị trí ngoài tử cung ví dụ ở trong vòi trứng, buồng trứng hay bất kỳ vị trí nào trong khoang bụng… Trường hợp phôi làm tổ ngoài tử cung thường ít khi có thể phát triển bình thường, phôi bị chết và người mẹ có những tổn thương hoặc xuất huyết nghiêm trọng.
7 dấu hiệu thai vào tử cung thành công
Thời gian chờ đợi mầm sống nhỏ phát triển trong cơ thể luôn khiến nhiều mẹ lo lắng, bồn chồn không biết dấu hiệu thai vào tử cung sẽ như thế nào? Thông thường sau khoảng 9-12 ngày rụng trứng và được thụ tinh, phôi sẽ di chuyển đến ống dẫn trứng và vào tử cung. Ở tử cung sẽ thực hiện việc bám vào thành tử cung để tạo một vị trí cố định và phát triển thai nhi. (1)
Các dấu hiệu thai vào tử cung thành công không phải xuất hiện ở tất cả các phụ nữ mang thai. Vì vậy nếu không có dấu hiệu gì rõ ràng, chị em cũng không nên quá lo lắng mà đến bệnh viện để được kiểm tra và theo dõi thai kỳ.
Các dấu hiệu thai vào tử cung thường gặp như:
1. Xuất huyết
Xuất huyết hay ra máu báo là dấu hiệu thường thấy khi phôi làm tổ. Khi phôi thai được cấy xuống lớp nội mạc tử cung có thể gây nên hiện tượng xuất huyết do một số mao mạch nhỏ bị vỡ trong quá trình cấy ghép. Lượng huyết âm đạo thường ít, ra nhỏ giọt, có màu nâu đen hoặc hồng nhạt và chỉ kéo dài 1-2 ngày.
Thời điểm ra máu báo phôi làm tổ thường gần với ngày hành kinh của chị em nên có một số người dễ nhầm lẫn tình trạng này dẫn đến chậm trễ trong việc phát hiện có thai.
2. Đau bụng
Cảm giác đau phần bụng dưới là dấu hiệu thai vào tử cung thường gặp thứ 2 sau tình trạng xuất huyết. Cơn co thắt thường diễn ra nhẹ và ít đau hơn so với cơ đau bụng kinh thông thường. Cơn đau thường kéo dài trong vài ngày, nếu tình trạng đau bụng không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu tăng nặng kèm co thắt liên tục nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
3. Căng tức ngực
Phần ngực có dấu hiệu như căng tức, đau, mềm cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo thai vào tử cung. Sau khi phôi làm tổ tại buồng tử cung thành công khiến nội tiết tố thai kỳ tăng cao, kích thích các ống tuyến vú phát triển và giãn nở để chuẩn bị cho việc tiết sữa sau này. Vì vậy nhiều mẹ có triệu chứng đau bầu ngực. Dấu hiệu này sẽ giảm dần và hết trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ. (2)
4. Chuột rút
Những cơn chuột rút nhẹ thường xuất hiện ở vùng bụng và lưng trong khoảng 2-3 ngày với cường độ khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên nếu chị em xuất hiện những cơ chuột rút kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được thăm khám.
Thay đổi về nhiệt độ cơ thể: thân nhiệt cơ thể có thể tăng nhẹ do tác động của nội tiết tố tăng cao ở đầu thai kỳ, đặc biệt sự tăng cao của progesterone - nội tiết tố giúp cho sự phát triển của thai cũng khiến thân nhiệt tăng từ 0.3-0.5 độ C.
Xem thêm: Chuột rút có phải dấu hiệu mang thai?
5. Đi tiểu nhiều lần trong ngày
Tần suất muốn đi tiểu tăng lên trong vòng một tuần. Điều này xảy ra do khi phôi bám với tử cung thành công, cơ thể sẽ có những thay đổi để tạo điều kiện tốt nhất cho thai nhi phát triển như tăng lượng máu cung cấp đền vùng xương chậu, dẫn đến áp lực lên bàng quang nhiều hơn và khiến mẹ bầu muốn đi tiểu nhiều hơn so với bình thường.
6. Thèm ăn
Thèm ăn là dấu hiệu thai vào tử cung nổi bật. Khi mang thai các hormone được tạo ra trong giai đoạn này có xu hướng làm thay đổi một số sở thích ăn uống hoặc khẩu vị của người phụ nữ. Chị em có thể thèm ăn một số loại thực phẩm mà trước giờ chưa từng nếm thử, thậm chí không thích ăn những món trước đây từng nằm trong danh sách đồ ăn yêu thích.
7. Bốc hỏa
Đây là dấu hiệu ít phổ biến hơn khi mang thai, cơn bốc hỏa thường kéo dài khoảng 15 phút khi thời điểm phôi bám vào tử cung. Lúc này sự biến động nhanh chóng của hormone gây nên cơn bốc hỏa. (3)
Ngoài các dấu hiệu kể trên, bạn có thể tham khảo thêm các dấu hiệu mang thai sớm tại bài viết này.
Thai mấy tuần thì vào tử cung?
Thai bao nhiêu tuần thì vào tử cung là điều mà nhiều chị em quan tâm. Thông thường sau khi trứng được thụ tinh, trong 48 giờ tiếp theo trứng thụ tinh sẽ ở trong bóng của ống dẫn trứng. Giai đoạn này trứng được thụ tinh sẽ tiến hành các hoạt động phân chia và có khoảng 2-8 tế bào.
Sau khoảng 10-12 giờ tiếp theo trứng thụ tinh sẽ vượt qua eo tử cung, lúc này nồng độ progesterone tăng cao làm cơ tử cung giãn nở khiến trứng dễ di chuyển và đi vào. 3-4 ngày sau khi thụ tinh, phôi sẽ đến được niêm mạc tử cung và bám vào thành tử cung để làm tổ và phát triển. Vì vậy thời gian phôi vào tử cung khoảng 8-9 ngày và muộn nhất là 2 tuần.
Thai chưa vào tử cung có dấu hiệu gì không?
Việc làm mẹ, mang thai và sinh con là sứ mệnh thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ. Tuy nhiên hành trình hạnh phúc này cũng có muôn vàn tình huống rủi ro trong trong đó có tình trạng thai chưa vào tử cung. Vì vậy để có một thai kỳ khỏe mạnh, các chị em cần trang bị thêm nhiều kiến thức về mang thai. (4)
Dấu hiệu thai chưa vào tử cung là một trong những vấn đề được chị em lưu tâm. Sau khi kiểm tra xét nghiệm beta HCG thông báo có thai, chị em cần lưu ý về các mốc khám thai định kỳ. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu dưới đây có thể cảnh báo tình trạng thai ngoài tử cung như:
- Xuất huyết âm đạo nhiều, có màu đỏ sẫm hoặc xen lẫn cục máu đông;
- Đau bụng dưới hoặc đau lưng nhiều, cơn đau lệch về một bên;
Tình trạng phôi làm tổ ngoài tử cung có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào như ở trên mặt buồng trứng, vòi trứng, ổ bụng… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.
Cần làm gì khi xuất hiện các dấu hiệu thai làm tổ?
Việc cảm nhận một sinh linh nhỏ đang dần phát triển trong cơ thể mẹ luôn là điều thiêng liêng và hạnh phúc với các chị em. Với đa số chị em mang thai lần đầu thường có cảm xúc lo lắng, không biết cần làm những gì để tốt nhất cho thai kỳ.
Theo các chuyên gia việc thăm khám đúng lịch, tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp mẹ bầu có một thai kỳ suôn sẻ. Vì vậy khi có các dấu hiệu thai vào tử cung, mẹ bầu có thể lưu ý một số lưu ý như:
- Khám thai: việc thăm khám cần thực hiện đúng lịch theo hướng dẫn của bác sĩ, mỗi mốc khám thai sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thai kỳ, giúp theo dõi, tầm soát và kiểm tra sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó khi có những dấu hiệu bất thường như đau bụng, xuất huyết… mẹ bầu cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
- Chế độ ăn lành mạnh: dinh dưỡng quyết định nhiều đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe người mẹ. Những nhóm thực phẩm tốt giúp cân bằng nội tiết cơ thể, nâng cao sức khỏe. Các thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây giúp thúc đẩy nồng độ estrogen, cải thiện chức năng chuyển hóa và giúp tiêu hóa tốt hơn.
Acid Folic được xem có ích cho việc phát triển của thai nhi, ngoài việc bổ sung acid Folic bằng dạng viên uống, mẹ bầu có thể bổ sung bằng việc ăn các loại hạt như hạnh nhân, lạc (đậu phộng), hạt hướng dương)… các loại trái cây như cam, bưởi, dâu hay các loại đậu.Trứng là thực phẩm được khuyên dùng vì chứa nhiều vitamin D, B6 giúp quá trình sản xuất progesterone được đẩy nhanh và tốt cho thai kỳ.
Tham khảo: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng mang thai
- Giữ tâm trạng thoải mái: việc chờ đợi dấu hiệu thai vào thai vào tử cung vô tình khiến nhiều chị em lo lắng, bồn chồn. Kông phải chị em nào mang thai cũng có dấu hiệu thai vào tử cung, nhiều chị em trải qua thai kỳ khỏe mạnh bình thường mà không có dấu hiệu nào, vì vậy thay vì lo lắng, chị em nên nghe theo hướng dẫn thăm khám của bác sĩ, giữ tâm trạng thoải mái hết sức có thể như xem bộ phim hài hước, nhẹ nhàng, thực hiện một số hoạt động lành mạnh như vẽ tranh, đọc sách… để tránh việc quá lo lắng hay căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của thai nhi trong bụng. Cơ thể mẹ trong giai đoạn mang thai sẽ chịu nhiều áp lực hơn so với bình thường, vì vậy việc nghỉ ngơi hợp lý giúp thai kỳ an toàn và trọn vẹn hơn.
- Tập thể dục: một số bài tập nhẹ nhàng được khuyến nghị trong thai kỳ, việc vận động nhẹ nhàng giúp mang lại nhiều lợi ích bao gồm về sức khỏe sinh lý, tâm lý, giữ cân nặng ở mức ổn định và giảm căng thẳng.
Các câu hỏi thường gặp
1. Chậm kinh có phải là dấu hiệu thai vào tử cung?
Chậm kinh được xem là dấu hiệu nổi bật cho biết phụ nữ có thể đã mang thai. Thời gian trễ kinh trung bình là khoảng 9 ngày ( đây là khoảng thời gian mà thai đã vào tử cung của người mẹ). Tuy nhiên để biết chắc chắn thai đã vào tử cung an toàn, mẹ nên đến làm các xét nghiệm siêu âm để đánh giá vị trí làm tổ của thai và được hướng dẫn về mốc tái khám thai và cách chăm sóc thai kỳ.
2. Tư thế nằm nào giúp thai dễ vào tử cung?
Tư thế nằm ngủ nào sẽ giúp thai dễ vào tử cung hơn là vấn đề mà nhiều mẹ quan tâm. Theo một số chuyên gia, việc nằm nghiêng ở bên trái có thể giúp hạn chế tình trạng chèn ép lên các mạch máu tuần hoàn và giúp phôi thai dễ vào tử cung hơn. Mẹ có thể kê thêm gối mềm ở phía sau lưng hoặc giữa hai đầu gối miễn sao cảm thấy thoải mái nhất.
3. Vì sao thai vào tử cung nhưng thử thai âm tính?
Một số chị em mong con thường có tâm lý muốn thử que sớm sau khi quan hệ hoặc chuyển phôi. Đôi lúc chị em nhận thấy mình có dấu hiệu thai vào tử cung nhưng khi thử que lại cho kết quả âm tính. Điều này có thể bắt nguồn do nồng độ hormone hCG còn thấp và khi thử que cho kết quả âm tính.
Có thể bạn quan tâm: Vì sao que thử thai 1 vạch nhưng vẫn có thai?
Thông thường, sau chậm kinh từ 1-2 tuần thì lượng hCG mới đủ để cho que thử thai kết quả dương tính. Vì vậy chị em có thể đợi thêm để thử lại hoặc đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ beta HCG.
IVFTA-HCM luôn chắt chiu những cơ hội dù là nhỏ nhất để ba mẹ có thể sớm đón con yêu về nhà. Sở hữu những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cùng hệ thống phòng Lab, hệ thống tủ nuôi cấy phôi hiện đại giúp nâng cao tỷ lệ có thai khi điều trị hỗ trợ sinh sản với các cặp vợ chồng.
Với lợi thế nằm trong bệnh viện đa khoa, IVFTA-HCM có sự liên kết và hỗ trợ mật thiết từ Trung tâm sản phụ khoa, khoa Nhi-Sơ sinh, Trung tâm tim mạch, Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh… giúp cho hành trình từ lúc ươm mầm đến lúc mang thai và sinh con của Mẹ sẽ được suôn sẻ nhất.
Để tìm hiểu thêm các thông tin về phôi thai tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Hệ thống BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bạn có thể liên hệ:
Trên đây là các dấu hiệu thai vào tử cung (phôi làm tổ) thành công mà chị em cần lưu ý. Không phải chị em nào mang thai cũng có dấu hiệu này, vì vậy để thai kỳ thuận lợi và khỏe mạnh, chị em cần thăm khám đúng lịch và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.