Tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể, viêm phế quản ở trẻ sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị khác nhau và đa số sẽ được tư vấn chăm sóc tại nhà. Vậy chăm sóc trẻ bị viêm phế quản như thế nào là an toàn và hiệu quả, giúp trẻ nhanh khỏi bệnh?
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm ở các ống phế quản; niêm mạc đường hô hấp bị kích thích tăng tiết dịch nhầy. Điều này gây cản trở lưu thông khí, trẻ khó thở, ho nhiều. Bệnh viêm phế quản được chia làm hai nhóm:
- Viêm phế quản mạn tính: Bệnh kéo dài dai dẳng, khó điều trị.
- Viêm phế quản cấp tính: Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, kéo dài khoảng 1 - 3 tuần và đa số diễn ra ở mức độ nhẹ, có thể được chữa khỏi khi được chăm sóc trẻ bị viêm phế quản đúng cách. (1)
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ
Đa số viêm phế quản ở trẻ nhỏ là viêm phế quản cấp, thường do virus gây ra. Các chủng virus gây bệnh có thể là virus hợp bào hô hấp (RSV), virus sởi, virus cúm, Enterovirus, Rhinovirus, Adenovirus type 1 - 7, Herpes Simplex virus… Một số trường hợp, bệnh có thể gây ra bởi vi khuẩn như S.Pneumoniae, H.Influenzae, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… Ngoài ra, trẻ có thể mắc bệnh do dị ứng, tiếp xúc với các chất gây kích thích đường hô hấp (khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại) hoặc có thể liên quan đến bệnh hen suyễn.
Tác nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể lây lan trực tiếp từ người này sang người khác. Điều này xảy ra do trẻ vô tình hít phải hay tiếp xúc với giọt bắn có chứa virus gây bệnh được phát tán ra môi trường bên ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Một số tác nhân gây bệnh có thể tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài, bám trên các bề mặt. Vậy nên trẻ cũng có thể nhiễm bệnh gián tiếp khi chạm tay vào các bề mặt nhiễm khuẩn rồi đưa tay lên vùng mặt.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản ở trẻ như:
- Trẻ đang mắc phải hoặc vừa mới khỏi bệnh liên quan đến đường hô hấp, tai - mũi - họng.
- Trẻ có miễn dịch kém, suy giảm miễn dịch, bị trào ngược dạ dày, xơ nang hay mắc các bệnh lý mạn tính.
- Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá…
- Thời tiết thay đổi thất thường, không khí chuyển lạnh.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản
Tùy vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và thể trạng sức khỏe của trẻ, viêm phế quản có thể gây nên các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng và đặc hiệu, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp thông thường khác.
Các triệu chứng ban đầu thường bao gồm ho, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, đau mỏi cơ, mệt mỏi, biếng ăn. Ban đầu trẻ ho khan nhưng sau đó sẽ chuyển dần sang ho có đờm. Đờm đặc có màu hơi vàng hoặc xanh gây tắc nghẽn đường hô hấp, khiến trẻ khó thở. Một số trường hợp trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc nôn ói do cơn ho dữ dội. Trẻ lớn hơn, viêm phế quản có thể gây đau tức ngực. (2)
Nếu bệnh không được điều trị đúng cách, viêm phế quản diễn tiến nặng có thể gây triệu chứng tím tái, khó thở, li bì, sốt cao không hạ, thở nhanh, thở gấp, cánh mũi phập phồng, lõm ngực (ở trẻ lớn)… Lúc này trẻ cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhằm tránh các biến chứng chứng nguy hiểm.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản cho cha mẹ
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị, chăm sóc trẻ bị viêm phế quản phù hợp. Ngoài phối hợp theo phác đồ điều trị viêm phế quản cho trẻ của bác sĩ, trẻ cần được chăm sóc đúng cách.
Dưới đây là một số lưu ý trong chăm sóc trẻ bị viêm phế quản, giúp trẻ nhanh khỏi bệnh:
1. Cho trẻ uống nhiều nước ấm
Các triệu chứng của viêm phế quản có thể khiến cơ thể trẻ bị mất nước, trẻ có thể cảm thấy khát nước nhiều hơn. Phụ huynh cho trẻ uống đủ nước để bù lại lượng nước đã mất. Hơn nữa, uống nhiều nước ấm còn giúp làm loãng đờm và dịch nhầy, giúp trẻ dễ loại bỏ đờm ra bên ngoài hơn; từ đó giảm tắc nghẽn đường hô hấp, trẻ dễ thở hơn.
2. Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn
Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, đảm bảo ngủ đủ giấc sẽ giúp sức khỏe của trẻ nhanh hồi phục hơn. Nhưng nghẹt mũi, tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, khó ngủ hơn. Phụ huynh nên kê gối cho trẻ khi ngủ, sao cho đầu cao hơn thân. Bên cạnh đó, sử dụng máy tạo độ ẩm không khí phù hợp có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
3. Làm sạch đường thở của trẻ
Khi trẻ bị viêm đường hô hấp, phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý cho trẻ. Điều này có thể giúp loại bỏ dịch nhầy gây tắc nghẽn đường thở ở trẻ và giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh ra khỏi đường hô hấp. Làm sạch đường thở giúp trẻ dễ thở hơn, cải thiện nghẹt mũi; trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
4. Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ là cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản hiệu quả
Khi bị ốm, trẻ thường sẽ biếng ăn hơn so với thường ngày. Tuy nhiên, đây là thời điểm quan trọng, trẻ cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh chống chọi lại tác nhân gây bệnh. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết cho trẻ (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất). Phụ huynh ưu tiên cho trẻ ăn các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và chia thành nhiều cữ ăn nhỏ trong ngày, không bắt ép trẻ ăn.
5. Xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ
Trẻ bị viêm phế quản, phụ huynh nên tập cho trẻ có lối sống lành mạnh: không thức khuya, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao vừa sức…
6. Vệ sinh khu vực sống
Phụ huynh cần vệ sinh phòng ngủ, nhà cửa, khu vui chơi của trẻ sạch sẽ nhằm hạn chế sự sinh sôi và lây lan của vi khuẩn, virus gây bệnh viêm phế quản ở trẻ. Hơn nữa, việc giữ vệ sinh khu vực sống sạch sẽ, duy trì các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp, hạn chế tiếp xúc có thể giúp trẻ giảm nguy cơ đồng nhiễm viêm phế quản với các bệnh lý khác.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà, phụ huynh cho trẻ dùng thuốc (nếu có) theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ dùng khi không có chỉ định.
>>>Có thể bạn chưa biết: Trẻ bị viêm phế quản có được tắm không?
Trẻ bị viêm phế quản nên ăn gì?
Trẻ bị bị viêm phế quản, phụ huynh nên ưu tiên chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ nhưng phải dễ tiêu hóa. Các thực phẩm này có thể là ngũ cốc, thịt, cá, sữa, trứng, đậu phụ, sữa chua… Rau xanh và trái cây tươi (có thể là nước ép trái cây) giúp bổ sung cho trẻ nhiều khoáng chất và vitamin tốt cho sức khỏe.
Phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ
Bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau nên trẻ có thể tái mắc bệnh nếu không được phòng ngừa đúng cách. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ:
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng khử khuẩn: Rửa tay đúng cách với xà phòng khử khuẩn thường xuyên đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi, xì mũi sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi miệng: Tay thường xuyên tiếp xúc với nhiều bề mặt, có thể có những bề mặt chứa virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi đưa tay lên vùng mặt, tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào đường hô hấp gây bệnh cho trẻ. Vậy nên tránh để trẻ chạm tay lên mắt, mũi, miệng và phụ huynh cũng không nên thường xuyên đưa tay lên vùng mặt của trẻ.
- Tiêm phòng đủ mũi, đúng lịch: Vacxin là một loại “vũ khí sinh học” hiệu quả, giúp trẻ tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Trẻ đã tiêm vacxin đầy đủ vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng bệnh thường diễn ra ở mức độ nhẹ, dễ điều trị hơn, tránh được các biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh nên chú ý cho trẻ tiêm vacxin đầy đủ và đúng lịch, tiêm ngừa cúm định kỳ.
- Xây dựng lối sống lành mạnh: Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc; vận động, tập thể dục thể thao hàng ngày với cường độ phù hợp, vừa sức; uống đủ nước; vệ sinh răng miệng mỗi ngày, súc miệng với nước muối sinh lý đúng cách…
- Dinh dưỡng phù hợp: Ăn uống đủ chất, hạn chế các thực phẩm không tốt cho sức khỏe (đồ chiên rán, thức ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt có ga…) tăng cường rau xanh, trái cây tươi; cho bú đủ sữa, bú sữa theo nhu cầu ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi…
- Tạo không gian sống lành mạnh, sạch sẽ: Vệ sinh nhà ở, phòng ốc thường xuyên; tránh để ẩm mốc tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh phát triển; không gian sống nên có đầy đủ ánh sáng (tốt nhất là ánh sáng tự nhiên), thông thoáng…
- Tránh để trẻ tiếp xúc với các yếu tố kích thích đường tiêu hóa: khó bụi, khói bếp, ô nhiễm không khí, đặc biệt là khói thuốc lá. Phụ huynh tránh để trẻ đến những khu vực có khói thuốc lá, không hút thuốc lá trong khuôn viên sống.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh: Tránh để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc đang mắc các bệnh đường hô hấp; hạn chế đến những khu vực đông người khi có dịch bệnh bùng phát; đeo khẩu trang kháng khuẩn cho trẻ khi ra ngoài.
Khi nào cần đưa trẻ bị viêm phế quản đến cơ sở y tế?
Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà, bên cạnh viện tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, phụ huynh nên theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu có các bất thường sau:
- Các triệu chứng có xu hướng nặng hơn.
- Trẻ sốt cao không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt.
- Đau tức ngực.
- Khó thở, thở rít.
- Trẻ ho hoặc khò khè hơn 4 tuần.
- Ho ra máu.
- Có dấu hiệu mất nước.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Chuyên khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về bệnh và cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản. Mặc dù đa số có thể khỏi khi chăm sóc đúng cách tại nhà tuy nhiên phụ huynh tuyệt đối không chủ quan khi chăm sóc trẻ.