Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh không phải là vấn đề sức khỏe hiếm gặp nhưng việc xử lý sai cách có thể gây biến chứng, thậm chí là tử vong. Đặc biệt, việc tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh không chỉ có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn mà còn khiến trẻ đối mặt với các tác dụng phụ nguy hiểm.
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là bị gì?
Phân của trẻ sơ sinh có kết cấu mềm hơn nhiều so với phân của người lớn. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh bú mẹ, phân của trẻ thường sẽ mềm, lỏng và nhiều nước hơn so với trẻ sơ sinh uống sữa công thức một phần hoặc toàn phần. Điều này có thể khiến phụ huynh gặp khó khăn để nhận biết trẻ sơ sinh có bị tiêu chảy hay không. (1)
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, phân sẽ trở nên lỏng hơn, nhiều nước hơn bình thường, có thể tràn ra bên ngoài tã. Hơn nữa, số lần trẻ đi tiêu của trẻ sẽ tăng lên đột ngột, có thể gấp 2-3 lần ngày thường. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể do trẻ nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, dị ứng sữa, tác dụng phụ của thuốc, hay do mẹ ăn uống không phù hợp làm thay đổi chất lượng sữa.
Điều đáng lo ngại nhất của tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là gây nên tình trạng mất nước. Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mất nước rất nhanh, từ đó, có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, tốt nhất, khi phát hiện trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và can thiệp điều trị kịp thời. Các biểu hiện mất nước ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần lưu ý:
- Tần suất đi tiểu giảm, lượng nước tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
- Môi khô, khóc không ra nước mắt.
- Mắt trũng, thóp trũng.
- Da mất tính đàn hồi.
- Bứt rứt, cáu kỉnh, quấy khóc nhiều hoặc mệt mỏi, li bì, khó đánh thức.
Khi có dấu hiệu mất nước hoặc trẻ sốt, bú kém hoặc nôn ói nhiều, bố mẹ cần đưa bé sơ sinh đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời.
Các loại thuốc trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Sơ sinh để được thăm khám và hỗ trợ điều trị phù hợp. Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc nhằm ngăn chặn tiêu chảy gây mất nước, hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.
1. Dung dịch bù nước
Bù nước, bù điện giải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy. Khác với trẻ lớn bị tiêu chảy, được bổ sung dung dịch điện giải đường uống như oresol thì trẻ sơ sinh sẽ được bù nước bằng cách tăng cường cữ bú và lượng sữa cho trẻ. Nếu trẻ sơ sinh có dấu hiệu mất nước, bác sĩ có thể chỉ định cho bé truyền dịch và điện giải qua đường tĩnh mạch. (2)
2. Kháng sinh
Nếu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy do nguyên nhân nhiễm trùng, bé sẽ được bác sĩ chỉ định kháng sinh phù hợp. Bố mẹ không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ.
3. Bổ sung kẽm
Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho bé bổ sung kẽm trong vòng 10-14 ngày với liều 10mg/ngày. Kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch, rút ngắn thời gian tiêu chảy, và có thể ngăn ngừa các đợt tiêu chảy trong 2-3 tháng sau.
4. Men vi sinh
Men vi sinh giúp bổ sung vi khuẩn có lợi, ức chế sự tăng sinh của vi khuẩn có hại, cân bằng hệ vi sinh ruột. Bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại men vi sinh phù hợp cho bé sơ sinh.
Các cách điều trị tiêu chảy ở trẻ sơ sinh khác
Ngoài các loại thuốc được nhắc đến ở trên, việc điều trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này là gì.
Trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy, mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn và chia làm nhiều cữ bú để đảm bảo trẻ không rơi vào tình trạng mất nước nguy hiểm. Trường hợp trẻ không thể tự bú, mất nước nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch qua tĩnh mạch.
Đối với mẹ cho con bú, chất lượng sữa bị ảnh hưởng trực tiếp từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ. Vì thế, trong giai đoạn này, mẹ nên thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học và đủ chất. Uống đủ nước mỗi ngày đóng vai trò quan trọng đối với việc tạo sữa cho trẻ. Nếu mẹ có sử dụng thuốc hay bất kỳ thực phẩm chức năng nào, hãy thông báo cho bác sĩ để được tư vấn phù hợp. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy, mẹ nên ngưng sử dụng các sản phẩm này và thông báo ngay cho bác sĩ.
Cách phòng ngừa tiêu chảy bé sơ sinh
Hệ tiêu hóa, sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ rất dễ mắc bệnh, trong đó có tiêu chảy. Hơn nữa, phân của trẻ sơ sinh mềm và nhiều nước nên nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị tiêu chảy không được phát hiện và can thiệp sớm. Do đó, việc bố mẹ nên chú ý quan sát để phát hiện sớm các bất thường khi chăm sóc trẻ, đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh:
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Trong giai đoạn cho con bú, mẹ nên ăn uống lành mạnh, “ăn chín uống sôi” để đảm bảo chất lượng sữa cho trẻ. Trước và sau khi cho con bú, mẹ nên vệ sinh bầu vú sạch sẽ. Đối với trẻ bú sữa công thức, bình sữa và núm vú giả cần được khử trùng thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Sữa cho trẻ sơ sinh cần được bảo quản đúng cách.
- Thường xuyên rửa tay: Trước khi cho trẻ ăn hay pha sữa cho trẻ, ôm bồng trẻ, bố mẹ nên rửa tay kỹ lưỡng với nước sạch và xà phòng khử khuẩn, nhất là sau khi đi vệ sinh.
- Dọn dẹp phòng ốc, vệ sinh ga giường, chăn, gối sạch sẽ: Môi trường sống ẩm ướt, không vệ sinh là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh phát triển. Vì vậy, vệ sinh không gian sống sạch sẽ sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ, từ đó, hạn chế bị tiêu chảy.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Trung tâm Sơ sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Trên đây là những thông tin hữu ích về các loại thuốc trị tiêu chảy cho trẻ sơ sinh cũng như các triệu chứng, cách phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ. Trẻ sơ sinh còn rất non yếu, vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường, tốt nhất, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám ngay lập tức.