Để đối phó với những cơn đau đầu ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc đau đầu khác nhau. Hiện nay, các thuốc nhức đầu thường được chia làm hai nhóm: thuốc giảm đau đầu không kê đơn và thuốc trị đau đầu có kê đơn.
Đau đầu là triệu chứng phổ biến hầu như mọi người đều từng trải qua. Cơn đau đầu có thể diễn ra ở nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng; chỉ đau ở một bên đầu hoặc lan tỏa hết cả đầu. Khi bị đau đầu cần uống thuốc gì và có cần đến khám bác sĩ hay không là thắc mắc của nhiều người bệnh khi phải đối mặt với những cơn đau đầu xảy ra. Dưới đây là những loại thuốc đau đầu phổ biến nhất có thể mua không cần đơn thuốc của bác sĩ cũng như cách dùng các loại thuốc giảm đau đầu hoặc thuốc trị nhức đầu. Tuy nhiên có những trường hợp đau đầu là dấu hiệu báo động cho một bệnh nguy hiểm cần được thăm khám và điều trị đặc hiệu kịp thời.
Thuốc đau đầu là gì?
Thuốc đau đầu là tên gọi chung của các loại thuốc giảm đau, được sử dụng nhằm cắt giảm cơn đau đầu hoặc phòng ngừa đau đầu. Các loại thuốc này thường được sử dụng cho người bệnh có cơn đau đầu ở nhiều cấp độ khác nhau.
Có ba loại thuốc chữa đau đầu bao gồm:
- Thuốc giảm đau và các triệu chứng khác thường gặp khi đau đầu.
- Liệu pháp phòng ngừa để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu.
- Thuốc ngăn chặn các triệu chứng sau cơn đau đầu.
Các loại thuốc đau đầu này được chia làm 2 nhóm: thuốc đau đầu có kê đơn và không kê đơn. Thông thường, người bệnh có thể mua các loại thuốc giảm đau đầu không kê đơn ở các nhà thuốc trên thị trường. Còn với một số loại thuốc trị đau đầu có kê đơn, cần phải có chỉ định của bác sĩ khi mua và dùng thuốc.
Đau đầu uống thuốc gì?
Cơn đau đầu được chia làm 2 nhóm là đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát: (1)
- Đau đầu nguyên phát: Chiếm tỷ lệ đến hơn 90% các cơn đau đầu, xuất phát từ nguyên nhân không thực thể, không do tổn thương cấu trúc não bộ, bao gồm đau từng cụm, đau do căng cơ, đau nửa đầu Migraine,…
- Đau đầu thứ phát: Chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ, gần 10%, xuất phát cho bệnh lý cụ thể hoặc chấn thương ở vùng đầu - sọ não như u não, chấn thương sọ não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính, bệnh tim mạch, bệnh tai mũi họng,…
Vậy khi đau đầu uống thuốc gì thì còn tùy thuộc vào nguyên nhân, biểu hiện và mức độ của cơn đau đầu mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc phù hợp.
4 nhóm thuốc đau đầu không kê đơn phổ biến
Nhức đầu uống thuốc gì để cơn đau được thuyên giảm? Để trị đau đầu tại nhà, bạn có thể sử dụng các loại thuốc nhức đầu không kê đơn. Nhóm thuốc này thường được dùng cho cơn đau ở mức độ nhẹ đến vừa. Thuốc nhức đầu hay đau đầu không kê đơn ít có tác dụng phụ, người bệnh có thể tìm mua tại các hiệu thuốc mà không cần có chỉ định hoặc toa thuốc từ bác sĩ, cơ sở y tế. (2)
Acetaminophen (Paracetamol, Panadol)
Acetaminophen là một hoạt chất thường được dùng trong các loại thuốc giảm đau đầu để làm dịu cơn đau đầu nhẹ đến trung bình. Bạn có thể bắt gặp Acetaminophen trong các thuốc giảm đau phổ biến hằng ngày như Paracetamol, Panadol… Sử dụng thuốc với liều lượng 1.000 mg có thể giúp một người bị đau đầu mức độ nặng giảm đau đầu trong vòng 2 giờ.
Nhóm thuốc Acetaminophen ít có tác dụng phụ, có thể được xem là loại giảm đau an toàn nhất, và là lựa chọn nên xem xét đầu tiên khi điều trị các loại đau nói chung theo Tổ chức y tế Thế Giới.
Thuốc đau đầu Acetaminophen có thể giúp giảm đau, hạ sốt và có ở các dạng như:
- Dạng viên con nhộng
- Dạng viên cứng (viên nén)
- Dạng viên sủi
Liều khuyến cáo của Acetaminophen cho người lớn trong một lần là từ một đến hai viên 500mg và không uống quá bốn lần trong 24 giờ. Mỗi lần uống thuốc nên cách nhau tối thiểu 4 tiếng.
Ngoài ra, với Paracetamol cho trẻ em thì còn có ở dạng si-rô hoặc dạng viên đạn (thuốc viên đặt hậu môn). Cần lưu ý hàm lượng thuốc tối đa ở trẻ em được tính theo tuổi, do vậy cần thận trọng và nên có sự hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa khi cho trẻ dùng.
Aspirin
Một dạng thuốc đau đầu không kê đơn cũng rất phổ biến khác chính là Aspirin. Aspirin có thể giúp giảm đau, giảm viêm, hạ sốt giúp điều trị cơn đau đầu của bạn. Thông thường ở Việt Nam, Aspirin sẽ xuất hiện ở 2 dạng là dạng viên nén và gói bột hòa tan uống; dạng viên đạn đặt hậu môn thì hiếm gặp.
Liều dùng thuốc trị đau đầu Aspirin cho một người bình thường thường là một hoặc hai viên 300mg cách nhau mỗi 4-6 giờ. Trẻ em dưới 16 tuổi không nên uống Aspirin trừ khi có chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng có có thể gặp khi dùng Aspirin để giảm đau đầu
- Hội chứng Reye (ở trẻ em) là một biểu hiện nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời
- Chảy máu đường tiêu hóa: đi tiêu phân màu đen sệt như hắc ín, ói ra máu hoặc chất nôn như bã cà phê…
- Buồn nôn, đau dạ dày từ nhẹ đến nặng
- Ù tai, giảm thính lực
Ibuprofen (nhóm NSAID)
Ibuprofen có thể làm giảm cơn đau đầu, đặc biệt là những cơn đau đầu thường xuyên do căng thẳng. Ngoài ra, Ibuprofen cũng giúp giảm các triệu chứng viêm, chẳng hạn như viêm khớp. Hiệu quả của loại thuốc giảm đau đầu không kê đơn này có thể giúp cải thiện cơn đau ở mức độ trung bình và nặng trong 2 giờ hoặc hơn.
Ibuprofen thuộc dòng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), các thuốc trong nhóm này đều có cùng một số các tác dụng phụ nghiêm trọng như sau:
- Viêm loét dạ dày: Đau dạ dày từ nhẹ đến nặng
- Chảy máu đường tiêu hóa: Tiêu phân hắc ín, nôn máu hoặc chất màu bã cà phê,…
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, khó tiêu, tiêu lỏng,..
- Mệt mỏi
- Dị ứng thuốc
Ibuprofen có ở dạng viên nén, viên con nhộng, viên sủi hay thậm chí là ở dạng gel bôi ngoài da. Liều dùng thuốc nhức đầu Ibuprofen khuyến cáo cho người lớn là một hoặc hai viên 200mg mỗi lần uống và uống cách nhau 6 giờ.
Với các trường hợp đau đầu dữ dội, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Ibuprofen 800mg. Chỉ nên uống với liều lượng này khi có chỉ định từ bác sĩ. Ngoài ra, cần lưu ý phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 3 tháng tuổi không được sử dụng Ibuprofen để giảm đau đầu. Tuy nhiên, phụ nữ đang cho con bú có thể sử dụng thuốc chữa đau đầu Ibuprofen để khắc phục cơn đau vùng đầu gây khó chịu.
Naproxen (nhóm NSAID)
Naproxen thường được điều chế dưới dạng gel, viên con nhộng, viên cứng hoặc viên sủi. Loại thuốc này được biết đến với công dụng giúp giảm nhanh các cơn đau đầu và điều trị tình trạng đau đầu kéo dài.
Thông thường, với thuốc giảm đau đầu không kê đơn Naproxen, nên uống khi cơn đau xuất hiện và uống cách nhau 8-12 giờ. Nếu dùng thuốc để điều trị đau đầu thì bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng theo đơn thuốc phù hợp với từng người bệnh.
Đặc biệt, ngoài những tác dụng phụ chung của nhóm thuốc NSAID, cần lưu ý không dùng naproxen cho phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú hoặc đang cố gắng thụ thai.
Thuốc trị đau đầu theo toa
Với những cơn đau đầu nghiêm trọng, mạn tính hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc trị đau đầu kê toa đặc biệt dựa trên tình trạng bệnh lý của người bệnh. Một số thuốc chữa đau đầu kê toa thường được sử dụng để điều trị cơn đau đầu gồm có:
- Triptans, chẳng hạn như sumatriptan
- Etodolac (Lodine)
- Oxaprozin (Daypro)
- Indomethacin (Indocin)
- Nabumetone (Relafen)
- Diclofenac (Cataflam)
Do đặc tính của thuốc cũng như tác dụng phụ riêng cần được canh chỉnh một cách cẩn thận, các bác sĩ sẽ tính toán liều lượng cụ thể cho từng loại tùy vào nguyên nhân, tần suất đau đầu, thể trạng của người bệnh,… để kê đơn thuốc phù hợp.
Ngoài những loại thuốc trên, còn có nhóm thuốc giảm đau có Opioids như oxycodone, codein, tramadol,… được sử dụng khi các thuốc giảm đau đầu khác không có tác dụng. Thuốc đau đầu Opioids giúp điều trị chứng đau đầu dai dẳng, vừa đến nặng. Bác sĩ thường chỉ định Opioids như một phương pháp điều trị chứng đau nửa đầu Migraine khi các loại thuốc khác không có tác dụng. Tuy nhiên các tình trạng này thường không thường gặp.
Thuốc phòng ngừa đau đầu
Trong một số trường hợp, ngoài thuốc chữa đau đầu thì bác sĩ còn có thể kê thêm thuốc phòng ngừa đau đầu để ngăn chặn cơn đau tái phát, lặp đi lặp lại. Các loại thuốc phòng ngừa đau đầu thường được sử dụng gồm có:
- Thuốc chống trầm cảm: Các bác sĩ chủ yếu sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline và nortriptyline để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu ở những người bị đau căng đầu, đau đầu do căng thẳng. Tuy nhiên, vì nhóm thuốc này có thể để lại nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên bác sĩ sẽ cân nhắc để người bệnh tự kiểm soát cơn đau bằng những biện pháp khác rồi mới sử dụng thuốc chống trầm cảm trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
- Thuốc giãn cơ: Những loại thuốc này có khả năng làm giảm căng cơ và cứng khớp - nguyên nhân dẫn đến đau đầu. Tizanidine (Zanaflex) là một loại thuốc giãn cơ phổ biến mà bác sĩ thường sử dụng để phòng ngừa đau đầu ở người bệnh.
- Thuốc chống động kinh: Nhóm thuốc chống động kinh cũng được biết đến với hiệu quả kiểm soát tần suất các cơn đau đầu chuỗi. Vì thế, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc nhóm thuốc này để phòng ngừa đau đầu ở người bệnh.
- Thuốc an thần: Với người bệnh thường xuyên có những cơn đau đầu do căng thẳng, có thể dùng thêm các loại thuốc an thần để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Tác dụng phụ của thuốc giảm đau đầu
Một số người bị đau đầu hàng ngày hoặc gần như mỗi ngày. Đối với những người mắc chứng đau nửa đầu, những cơn đau đầu dường như diễn ra liên tục khiến bạn cảm thấy cần phải dùng thuốc để giảm bớt các triệu chứng đau hoặc dùng thuốc để cắt cơn đau đầu.
Khi sử dụng thuốc đau đầu quá nhiều, dùng sai liều lượng có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thuốc hoặc lờn thuốc, làm cho cơn đau đầu của bạn trở nên tồi tệ hơn hoặc thường xuyên hơn.
Việc sử dụng thuốc giảm đau hàng ngày hoặc gần như hàng ngày có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận của não. Đây là những bộ phận kiểm soát cảm giác đau và truyền đến hệ thần kinh. Khi bạn lạm dụng các loại thuốc trị đau đầu hoặc thuốc giảm đau đầu không kê đơn như aspirin, acetaminophen, ibuprofen,… các bộ phận này sẽ cảnh báo tín hiệu sai khiến bạn có thể cảm thấy đau đầu liên tục không dừng.
Khi phụ thuộc vào thuốc, bạn sẽ luôn cảm thấy đau và lúc nào cũng phải sử dụng thuốc để giảm cơn đau của mình. Hoặc bạn cũng có thể bị lờn thuốc, làm cho việc dùng thuốc không còn hiệu quả giảm đau như trước.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc đau đầu cũng có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc hay biện pháp tránh thai mà bạn đang thực hiện.
Và tùy theo từng thể trạng cơ thể, người bệnh khi dùng thuốc trị nhức đầu. đau đầu cũng có thể gặp các tác dụng phụ khác như:
- Ngứa ran
- Da nổi đỏ, phát ban
- Tê tay chân
- Cảm thấy ớn lạnh hoặc người luôn nóng bừng
- Đau hàm, căng cơ
- Đau ngực
- Chóng mặt
- Mệt mỏi hoặc buồn ngủ
- Ợ chua, ợ nóng
- Đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc các vấn đề liên quan đến tiêu hóa
- Khô miệng
- Đắng miệng
- Đổ mồ hôi hột liên tục
- Đau lưng
- Tâm trạng thay đổi
Trong quá trình sử dụng thuốc đau đầu, nên ngừng sử dụng thuốc và thông báo ngay với bác sĩ nếu cảm thấy có bất cứ điều gì bất thường.
Lưu ý khi dùng thuốc trị đau đầu
Các loại thuốc đau đầu có hiệu quả nhất định trong việc làm giảm cơn đau của bạn. Tuy nhiên, để thuốc phát huy tối đa tác dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, cần lưu ý: (3)
- Với thuốc đau đầu không kê đơn, đọc nhãn để biết hoạt chất trong thuốc cũng như đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Đảm bảo bạn không dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo.
- Tránh dùng thuốc quá mức, lạm dụng thuốc.
- Tham khảo bác sĩ về bất kỳ loại thuốc đau đầu nào mà bạn đang có ý định dùng, đặc biệt là trước khi dùng các loại thuốc giảm đau có aspirin, ibuprofen hoặc naproxen natri. Ngoài ra, cần có chỉ định của bác sĩ để dùng thuốc nếu bạn đang điều trị các bệnh lý khác.
- Cẩn thận khi dùng thuốc cho trẻ em.
- Không kết hợp các loại thuốc có chứa cafein, thuốc an thần và chất gây nghiện.
Cách giảm đau đầu không dùng thuốc
Ngoài việc sử dụng thuốc đau đầu, người bệnh cũng có thể áp dụng những biện pháp trị đau đầu không dùng thuốc để giúp cơn đau được thuyên giảm nhanh chóng mà không phụ thuộc, lạm dụng thuốc. Một số cách giảm đau đầu mà bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Chườm nóng/lạnh luân phiên
- Massage vùng đầu - cổ - vai - gáy
- Sử dụng các loại tinh dầu thiên nhiên để giảm căng thẳng
- Bấm huyệt
- Uống nhiều nước
- Sử dụng trà thảo mộc
- Uống một ít cà phê
- Nằm nghỉ ngơi ở môi trường yên tĩnh, không gian tối
- Không nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính,… hay thiết bị điện tử
- Ăn thực phẩm giúp bổ sung magie
- Ăn một lát gừng
- Bổ sung vitamin nhóm B
- Tránh các thực phẩm hay vật dụng có mùi
- Tránh thực phẩm chứa nhiều histamin
Câu hỏi thường gặp khi tìm mua thuốc trị nhức đầu
Mang thai có được uống thuốc đau đầu không?
Một số thuốc đau đầu như Ibuprofen, Naproxen có chống chỉ định sử dụng cho phụ nữ mang thai. Vì thế, tốt nhất với người đang mang thai nên áp dụng các biện pháp trị đau đầu không kê đơn và tránh sử dụng thuốc.
Trong trường hợp cơn đau đầu vượt quá sức chịu đựng, bạn nên đến thăm khám để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp, tránh việc tự ý sử dụng thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Xem thêm: 10+ thuốc đau đầu cho bà bầu, được phép uống những loại nào?
Trẻ em có thể uống thuốc giảm đau đầu không?
Khi trẻ bị đau đầu, có thể cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, cần lưu ý không cho trẻ em uống thuốc có Aspirin hoặc caffeine để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như Aspirin có thể dẫn đến hội chứng Reye.
Hơn nữa, trẻ em thường sẽ không được sử dụng các loại thuốc phòng ngừa đau đầu mà chỉ uống thuốc đau đầu khi có biểu hiện của cơn đau.
Xem thêm: 10+ thuốc đau đầu cho trẻ em, được phép uống những loại nào?
Tình trạng đau đầu khi nào cần đến bệnh viện khám?
Bị đau đầu có thể là biểu hiện của những bệnh lý thần kinh nguy hiểm như u não, chấn thương sọ não, viêm màng não,.. và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Do đó, người bệnh không nên chủ quan trước biểu hiện của những cơn đau đầu.
Khi có cảm giác đau, nên đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra, thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây đau đầu để có phương pháp điều trị phù hợp. Đặc biệt, các trường hợp phải đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt:
- Người bệnh bị đau đầu đã trên 50 tuổi;
- Có những cơn đau đầu diễn ra đột ngột và dữ dội;
- Cơn đau đầu kéo dài, lặp đi lặp lại thường xuyên mà không thuyên giảm dù đã áp dụng những cách giảm nhức đầu;
- Đau đầu kèm theo những triệu chứng nguy hiểm khác như buồn nôn, co giật, sốt cao, suy giảm thị lực;
- Đau đầu kéo dài nhiều giờ; hoặc cơn đau đầu không giống với những cơn đau đầu mà bạn thường có trước đó.
- Người bệnh rơi vào trạng thái lú lẫn, mất ý thức, hôn mê;
- Cơn đau đầu diễn ra sau khi có chấn thương, va đập ở vùng đầu;
- Cơn đau nghiêm trọng hơn khi hoạt động mạnh, ho, hắt hơi, cúi người xuống;
Với người bệnh bị đau đầu khi thăm khám tại bệnh viện, trước tiên bác sĩ sẽ thực hiện khai thác tiền sử bệnh:
- Cơn đau có diễn ra thường xuyên không;
- Người bệnh hay bị đau đầu vào thời điểm nào trong ngày;
- Chế độ ăn uống của người bệnh trong những ngày gần đây;
- Trước đây người bệnh có từng bị đau đầu như vậy hay không;
- Gia đình người bệnh có ai từng bị đau đầu như vậy hay không;
- Gần đây có đang uống thuốc gì không;
- Người bệnh có đang căng thẳng, lo lắng hoặc gặp áp lực gì không;
- …
Tùy theo biểu hiện bệnh mà bác sĩ có thể đưa ra những câu hỏi khác nhau để hỗ trợ chẩn đoán bệnh được chính xác. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (chụp MRI, chụp CT, chụp X-quang đầu - sọ não) cũng như làm xét nghiệm máu, đo điện não,…
Sau khi xác định được nguyên nhân đau đầu, bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng thuốc trị nhức đầu phù hợp, cân nhắc cho người bệnh áp dụng các biện pháp trị đau đầu hoặc thực hiện phẫu thuật can thiệp nếu cần thiết.
Người bệnh khi bị đau đầu có thể thăm khám tại khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Với đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ hàng đầu với chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm lâm sàng thực tiễn, khoa Nội thần kinh Bệnh viện Tâm Anh là một trong những địa chỉ tin cậy hàng đầu mà người bệnh có thể lựa chọn để thực hiện thăm khám các vấn đề liên quan đến đau đầu và các bệnh lý thần kinh khác.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, tân tiến hàng đầu thế giới như hệ thống chụp cộng hưởng từ thế hệ mới (MRI) 1,5 và 3 tesla, máy chụp cắt lớp vi tính (CT) 768 lát cắt Somatom Drive, máy điện não vi tính Eeg-1200K (Nhật Bản), Máy điện cơ Natus UltraPro S100 (Mỹ),… Nhờ đó, việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh lý thần kinh sẽ được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm và tối ưu nhất.
Để đặt lịch khám, kiểm tra, tư vấn cách sử dụng thuốc đau đầu cũng như các bệnh lý thần kinh nói chung tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
- Gọi tổng đài 0287 102 6789 - 028 7300 6858 (TP HCM) hoặc 024 3872 3872 - 024 7106 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
- Đăng ký hẹn khám bệnh với bất kỳ bác sĩ nào mà mình tin tưởng tại đường link: https://tamanhhospital.vn/danh-cho-khach-hang/dat-lich-kham/.
- Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
- Nhắn tin qua Zalo OA của BVĐK Tâm Anh.
Nhìn chung, thuốc đau đầu sẽ được sử dụng để điều trị cơn đau đầu từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, còn tùy vào nguyên nhân đau đầu và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà sử dụng những loại thuốc khác nhau. Do đó, tốt nhất người bệnh khi bị đau đầu nên thăm khám để được bác sĩ tư vấn thuốc đau đầu hoặc thuốc nhức đầu phù hợp nhất, tránh dùng sai thuốc hoặc sai liều lượng dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.