Cùng với châm cứu thì xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc được sử dụng từ hàng nghìn năm nay trong Y học Phương Đông. Theo lý luận của Y học cổ truyền, hầu hết các bệnh lý đều có thể dùng phương pháp xoa bóp bấm huyệt để điều trị hoặc hỗ trợ tăng hiệu quả điều trị của việc dùng thuốc. Theo Y học cổ truyền, bấm huyệt trị ho là một giải pháp hiệu quả giúp hạn chế các cơn ho do nhiễm lạnh, thay đổi thời tiết. Nhưng cần phải áp dụng đúng cách thì phương pháp này mới đem lại tác dụng tốt nhất. Vậy, làm thế nào để thực hiện đúng?
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc Tây y hiện đại để chữa bệnh, bạn còn có thể tìm đến các phương pháp bấm huyệt trong Y học cổ truyền để tăng thêm hiệu quả điều trị. Trong bấm huyệt, người thực hiện sẽ sử dụng bàn tay hoặc ngón tay tác động lên các huyệt vị trên cơ thể giúp đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết. Nhờ đó, một số triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện.
Trong điều trị ho, phương pháp này có thể giúp giảm tình trạng liên quan đến ho, ví dụ như rát họng, đau họng, ho lâu ngày, khó thở,… Nhờ các tác động đa dạng lên cơ thể mà bấm huyệt trị ho do viêm họng, ho đờm hoặc ho khan đều có thể dùng chung phương pháp hoặc kết hợp với các huyệt vị khác. Tuy nhiên, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe, nguyên nhân gây ho, kỹ năng của người bấm huyệt mà hiệu quả với mỗi người sẽ khác nhau.
Dưới đây, Hellobacsi sẽ gợi ý đến bạn 9 cách bấm huyệt trị ho phổ biến để bạn tham khảo nhé!
Cách bấm huyệt trị ho theo Đông y
1. Cách bấm huyệt Xích trạch trị ho
Công dụng: Huyệt Xích Trạch là huyệt Hợp của đường kinh Thủ Thái Âm Phế. Huyệt Xích Trạch có tác dụng thanh nhiệt thượng tiêu, giáng nghịch khí, tiêu trừ độc trong máu, tiết Phế viêm. Hỗ trợ người bệnh giảm các triệu chứng ho do bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, ho ra máu, ho đờm, viêm họng, hen suyễn,…
Vị trí: Để xác định huyệt Xích Trạch, bạn duỗi thẳng tay và đưa lòng bàn tay ra phía trước. Bờ ngoài của gân cơ nhị đầu cánh tay và sợi gân của đường ngấn khuỷu tay sẽ tạo thành một chỗ lõm - vị trí của huyệt Xích Trạch.
Phương pháp bấm huyệt trị ho: Dùng ngón tay cái ấn lên huyệt rồi liên tục day và ấn trong khoảng 2-3 phút. Bạn có thể lặp lại 2-3 lần mỗi ngày để duy trì tác dụng điều trị bệnh. Ngoài ra bạn cũng có thể bấm phối hợp huyệt Xích Trạch với huyệt Đản Trung, Phế Du, Thái Uyên nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
2. Cách bấm huyệt Đản Trung trị ho
Công dụng: Thông ngực, thanh phế, giáng nghịch, hóa đàm. Điều hòa khí tức, giúp hô hấp dễ dàng, thoải mái, giảm các triệu chứng ho tức ngực, ho khan, ho kéo dài, khó thở,…
Vị trí: Đối với phụ nữ thì huyệt Đản Trung ở vị trí đường ngang qua bờ trên hai khớp xương ức thứ 5 của cơ thể. Còn đối với nam giới thì huyệt Đản Trung là điểm giao giữa xương ức và đường nối hai núm vú.
Phương pháp bấm huyệt trị ho: Có 2 cách bấm huyệt Đản Trung:
Cách 1: Người bệnh có thể tự dùng 2 ngón tay cái của mình liên tục xoa vào huyệt đạo này theo chiều dọc cho đến khi thấy da lồng ngực mình nóng lên. Để có hiệu quả thì nên thực hiện nhanh và mạnh.
Cách 2: Ép 2 ngón tay cái lên huyệt để có cảm giác tức tại đó, vừa ấn vừa xoay theo cùng chiều kim đồng hồ trong vòng 5 giây. Sau mỗi lần thực hiện thì nghỉ trong 3 giây và thực hiện trong vòng 2 phút thì kết thúc.
Tuy nhiên, huyệt Đản Trung là huyệt rất nhạy cảm, nên thao tác cần nhẹ nhàng. Khi tự bấm huyệt, bạn nên giữ tinh thần thoải mái, không quá no cũng không quá đói. Nếu đang mệt mỏi thì không nên bấm huyệt vị này.
3. Cách bấm huyệt Dũng Tuyền trị ho
Mỗi tên gọi của huyệt vị đều có một ý nghĩa nào đó. Ở huyệt Dũng Tuyền thì chữ “Dũng” là biểu hiện sự tràn đầy, mạnh mẽ và chữ “Tuyền” có nghĩa là dòng chảy, dòng suối. Hiểu đơn giản cái tên muốn nói lên huyệt đạo nằm dưới bàn chân như dòng suối chảy mạnh mẽ và có sức sống mãnh liệt.
Công dụng: Khi huyệt Dũng Tuyền được làm ấm sẽ giúp khí huyết lưu thông, đưa khí nóng từ trên xuống dưới bàn chân. Vì thế giúp cải thiện đáng kể cơn ho gây ra bởi cơ thể nhiễm lạnh.
Vị trí: Huyệt Dũng Tuyền nằm ở vị trí gan bàn chân. Cách dễ nhất để tìm thấy huyệt vị này là bạn quan sát phần da dưới lòng bàn chân, nơi màu sắc thay đổi. Tưởng tượng một đường thẳng xuyên qua khoảng trống giữa ngón chân thứ hai và ngón chân thứ ba, huyệt Dũng Tuyền sẽ ở đó, vị trí bị lõm vào.
Phương pháp bấm huyệt trị ho:Theo y học cổ truyền, bấm huyệt Dũng Tuyền có tác dụng chữa ho khan, ho dai dẳng rất hiệu quả. Đối với những người ho khan hoặc ho mãn tính lâu không khỏi có thể kết hợp xoa bóp huyệt với các loại dầu nóng để đạt hiệu quả chữa bệnh cao nhất.
- Chuẩn bị một lọ dầu nóng để tiến hành bấm huyệt, ví dụ dầu cù là, dầu khuynh diệp,…
- Trước khi thực hiện, ngâm chân với nước nóng rồi lau khô
- Dùng dầu nóng xoa nhẹ nhàng vào huyệt Dũng Tuyền rồi day day khoảng 15 phút và đổi sang chân còn lại
- Mỗi bên xoa bóp khoảng 3 lần
- Bấm huyệt xong nên mang tất để giữ ấm chân
Những lưu ý khi bấm huyệt Dũng Tuyền:
Bạn cần lưu ý những điều sau trước khi thực hiện thao tác bấm huyệt Dũng Tuyền:
- Trước khi bấm huyệt, phải rửa tay sạch sẽ, cắt ngắn móng tay, tránh bấm mạnh làm tổn thương da, bầm tím, chảy máu…
- Sau khi xác định được vị trí huyệt Dũng Tuyền, bạn cần thực hiện động tác day bấm với một lực vừa phải. Nếu tác động quá mạnh có thể dẫn đến tình trạng bong gân, xương khớp bàn chân bị tổn thương.
- Người bị viêm khớp, cao huyết áp, tim mạch, cấp cứu dạ dày không nên bấm huyệt Dũng Tuyền.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ đèn đỏ hoặc phụ nữ mang thai không thích hợp để xoa bóp bấm huyệt.
- Không xoa bóp huyệt cho bệnh nhân có tâm lý dễ kích động.
- Bạn tuyệt đối không nên bấm huyệt ngay sau khi vừa uống rượu bia, vì sẽ có nguy cơ cao ảnh hưởng đến dạ dày và toàn thân.
4. Cách bấm huyệt Khổng Tối trị ho:
Huyệt thứ 6 thuộc kinh Thủ Thái Âm Phế. Tên gọi: Khổng có nghĩa là lỗ trống không hoặc lối đi, Tối có nghĩa là tụ lại hoặc tốt nhất, một cái gì đó quan trọng nhất. Theo Y văn cổ, huyệt Khổng Tối có tác dụng tốt nhất trong việc chữa bệnh sốt không có mồ hôi. Tuy nhiên huyệt này cũng là nơi khí huyết của kinh Phế tụ tập, châm vào huyệt này có tác dụng tuyên thông Phế khí rất hay, nó có thể giúp phế xua tan tà khí và kiểm soát được việc đóng và mở các lỗ chân lông. Do đó mới có tên là Khổng tối ( đường lối quan trọng nơi tụ tập).
Công dụng: Nhuận Phế, chỉ huyết, thanh nhiệt, giải biểu, điều giáng Phế khí. Hỗ trợ điều trị các loại bệnh như ho dai dẳng, viêm phổi, ho ra máu, khan tiếng,…
Vị trí: Huyệt Khổng Tối nằm ở trên đường thẳng nối liền huyệt Thái Uyên ở cổ tay và huyệt Xích Trạch ở khuỷu tay. Khoảng cách giữa cổ tay và huyệt Khổng Tối là khoảng 7 thốn (Cách xác định thốn: Độ dài của 1 thốn bằng bề rộng của đốt tay thứ ba của ngón cái, con trai dùng tay trái, con gái dùng tay phải).
Phương pháp bấm huyệt trị ho:
- Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa ấn vào vị trí huyệt
- Giữ nguyên tay và lực đạo như vậy trong khoảng 2- 3 phút
- Sau đó, xoa nhẹ nhàng ở vị trí này cho đến khi có cảm giác thoải mái
5. Cách bấm huyệt Phế Du trị ho
Huyệt Phế du là huyệt thứ 13 vùng Bàng Quang Kinh. Huyệt được xem là huyệt Du Bối của Phế Khí với tác dụng phân tán dương khí của phổi.
Công dụng: Điều Phế, lý khí, thanh hư nhiệt, bổ hư lao, hòa vinh huyết. Trị lao phổi, phổi viêm, khí Quản viêm, suyễn, mồ hôi tự ra, mồ hôi trộm. Huyệt Phế Du mối liên hệ trực tiếp với phổi, giúp tăng khí huyết lưu thông cho phổi nên khi điều trị viêm họng sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn, thoải mái, dễ chịu. Một điều đặc biệt là ứng dụng chích lể Phế du để điều trị bệnh chắp lẹo ở mắt rất hiệu quả.
Vị trí: Huyệt Phế du nằm ở dưới gai đốt sống lưng D3 - D4, bạn có thể đo sang hai bên, mỗi bên 3cm theo chiều ngang.
Phương pháp bấm huyệt trị ho: Ấn huyệt trong khoảng 30 giây rồi đổi qua bên còn lại. Thực hiện mỗi bên 5 lần. Có thể phối hợp day ấn Phế du và Phong long trong điều trị ho có đờm, Phế du, Thái Khê, Xích trạch trong điều trị ho do nhiệt…
6. Cách bấm huyệt Thái uyên trị ho
Thái Uyên là huyệt nguyên của kinh Phế, là huyệt Hội của mạch và là huyệt Bổ của kinh Phế.
Công dụng: Khu phong, hóa đàm, lý phế, chỉ khát. Trị ngực đau, lưng và vai đau, quanh khớp cổ tay đau, ho suyễn. Cải thiện các cơn ho không xuất hiện cùng lúc, ví dụ như thường phát tác lúc sáng sớm hoặc nửa đêm.
Vị trí: Huyệt Thái Uyên nằm ở vị trí phía gan bàn tay ngửa lên trên. Bạn gập tay từ từ cho đến khi xuất hiện nếp lằn nơi cổ tay, chỗ lõm nhất là huyệt Thái Uyên (ở dưới ngón cái và trên nếp lằn).
Phương pháp bấm huyệt trị ho:
- Ấn mạnh một lực vừa phải vào huyệt bằng ngón tay cái theo một góc 90°
- Lực ấn tăng dần cho đến khi người bệnh cảm thấy tức nặng
- Mỗi lần thực hiện khoảng 14 lần rồi đổi sang tay khác
- Thời gian bấm huyệt Thái Uyên tối đa là 3 phút
Theo các nghiên cứu, chỉ cần tác động đúng cách vào huyệt Thái uyên mà tình trạng bệnh lý về đường hô hấp ở bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Phối hợp với huyệt Liệt Khuyết trong điều trị ho có đờm. Kết hợp với huyệt Ngư Tế trong điều trị ho khan do ngứa rát cổ họng.
7. Cách bấm huyệt Liệt Khuyết trị ho
Huyệt Liệt Khuyết thuộc huyệt thứ 7 của Phế Kinh. Ý nghĩa tên gọi huyệt dựa theo vị trí huyệt nằm ngay trên cổ tay, nơi mỏm xương quay hình tâm có lỗ hõm, từ vị trí đó có một nhánh tách ra liên lạc với đường kinh Thủ Kinh Đại Trường Dương Minh. “Liệt” có nghĩa là phân kỳ, phân tách và “Khuyết” có nghĩa là thiếu, chỗ hõm, khe hở.
Công dụng: Liệt Khuyết là huyệt lạc của Kinh Phế, có tác dụng tuyên Phế, khu phong, thông điều Nhâm Mạch, thông kinh mạch, trị ho, trị hen suyễn. Thường được điều trị trong trị cổ tay đau sưng, đầu đau, cổ gáy cứng, ho, suyễn, liệt mặt.
Vị trí: Huyệt Liệt Khuyết nằm ở vị trí cổ tay đi lên khoảng 3cm( 1,5 thốn). Bạn có thể xác định bằng cách đưa hai bàn tay lên khe ngón cái và khe ngón trỏ đan xen vào nhau. Khi đó, đầu ngón trỏ đặt lên đầu xương cạnh của cổ tay kia và vị trí này chính là huyệt Liệt Khuyết.
Phương pháp bấm huyệt trị ho:
- Đặt ngón trỏ lên vị trí của huyệt và các ngón tay còn lại cầm vào bàn tay cần bấm
- Day huyệt theo hình tròn, sử dụng lực đạo vừa phải
- Xoa bóp trong vòng 2-3 phút và đổi sang tay còn lại
Có thể phối huyệt Khuyết Bồn, huyệt Ngư Tế và huyệt Thiếu Trạch trị ho. Phối với huyệt Đản Trung, huyệt Phế Du, huyệt Túc Tam Lý trị ho đờm, ho hàn, đau tức ngực…
8. Cách bấm huyệt Ngư Tế trị ho
Huyệt Ngư Tế nằm ở vị trí giáp ranh nhau của vùng da trắng và vùng da đỏ, huyệt nằm ở điểm giữa chiều dài của xương bàn tay 1, sự nhô lên của bắp thịt ở đây tương tự với chỗ tiếp giáp cả da gan tay và da mu tay ở nơi bụng con cá. Do đó mà có tên là Ngư tế- là huyệt thứ 10 thuộc Phế kinh.
Công dụng: Giảm kích ứng cổ họng và giảm ho khan ngay tức thì. Điều trị ho, ho ra máu, lao phổi, sốt, đau đầu, đau sưng họng.
Vị trí: Ở mặt trong của lòng bàn tay, lấy trung điểm giữa xương bàn ngón tay cái, nơi phần tiếp giáp phần da đổi màu. Gấp ngón tay trỏ vào lòng bàn tay, đầu ngón tay trỏ chạm vào chỗ nào ở mô ngón tay cái, đó là huyệt, cần sờ kỹ để xác định sao cho chính xác.
Phương pháp bấm huyệt trị ho:
- Xát nóng phần tay thực hiện, sau đó, day day huyệt Ngư Tế từ 2 - 3 phút mỗi bên bàn tay
- Bạn có thể sử dụng hai cườm tay day day xoa vào nhau để nhanh chóng giảm cơn ho
Có thể phối hợp Phế Du trị trẻ nhỏ bị ho, phối hợp Thái Uyên trị ho do viêm phế quản.
9. Cách bấm huyệt Phong Trì trị ho
Huyệt phong trì là huyệt đạo thứ 20 của nhóm Kinh Đởm và hội với mạch Dương Duy. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì Phong nghĩa là gió - chỉ những tác nhân gây bệnh bên ngoài và tính chất diễn biến, tiến triển của bệnh, Trì nghĩa là cái ao - nói tới một chỗ hõm. “Phong Trì” là huyệt nằm trong góc hõm được tạo nên bởi các khối cơ vùng cổ gáy và được xem là nơi phong tà (các tác nhân gây bệnh) xâm nhập tạo nên các triệu chứng của bệnh cảm mạo phong nhiệt và phong hàn.
Công dụng: Khu phong, Giải biểu, thanh nhiệt, thông nhĩ, minh mục, sơ tà khí. Cải thiện các triệu chứng bệnh như ho rát, ho khan. Đồng thời, xoa bóp huyệt Phong Trì còn giúp giảm mệt mỏi, đau nhức, đau đầu và hỗ trợ trị bệnh viêm họng hạt.
Vị trí: Huyệt Phong Trì nằm ở phần hõm phía sau của gáy, phần lõm vào của cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.
Phương pháp bấm huyệt trị ho:
- 4 ngón tay bám vào đầu để làm điểm tựa còn ngón cái ấn vào vị trí huyệt
- Nhẹ nhàng day day vào huyệt trong khoảng 3 phút, khi nào thấy huyệt nóng lên thì dừng lại
- Mỗi ngày nên bấm huyệt từ 2 - 3 lần để đạt được hiệu quả tốt nhất
Lưu ý: Huyệt Phong Trì ở vị trí rất nhạy cảm, ngay giữa 2 huyệt là Hành não và tủy sống nên thao tác cần nhẹ nhàng, tránh tác động lực mạnh. Không ứng dụng bấm huyệt Phong Trì cho phụ nữ có thai hay người có thể trạng quá suy nhược.
Một số lưu ý trong quá trình bấm huyệt trị ho
- Vệ sinh bàn tay, ngón tay sạch sẽ
- Xác định đúng huyệt vị trước khi ấn huyệt bởi bấm huyệt sai trong thời gian dài có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm
- Đối với phụ nữ mang thai thì một số huyệt còn thể thúc đẩy việc tử cung co bóp, dẫn đến sinh non nên cần có sự hướng dẫn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn
- Bấm huyệt trị ho chỉ là phương án hỗ trợ, không thể thay thế các phương pháp điều trị chuyên sâu trong trường hợp ho nặng, ho kéo dài kèm theo các triệu chứng khác
- Cần thực hiện kiên trì hàng ngày để giảm thiểu các triệu chứng ho
- Với các vùng da bị lở loét, nhiễm trùng thì không nên thực hiện bấm huyệt
- Khi bụng quá no hoặc quá đói cũng không nên bấm huyệt, thời điểm tốt nhất là vào khoảng 1 giờ sau khi ăn
- Nếu dùng lực quá mạnh ở các vị trí huyệt nhạy cảm sẽ gây bầm tím hoặc tổn thương các cơ quan dưới da,…
- Để tăng cường hiệu quả giảm ho, người bệnh nên chú ý xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng; luôn giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ họng; không dùng nước đá, nước lạnh; tập thể dục hàng ngày;…
Tóm lại, bấm huyệt trị ho là một phương pháp trong Y học cổ truyền, có vai trò tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng bệnh. Các phương pháp trên hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà nhưng cần phải chú ý đến vị trí các huyệt vị. Trong trường hợp ho kéo dài kèm theo các biểu hiện khác thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để xây dựng phương án điều trị hiệu quả.
[embed-health-tool-bmi]