Mề đay là những nốt, sẩn hoặc mảng phù trên da, kèm ngứa. Đây là tình trạng dị ứng thường gặp, gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ người bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay, phụ thuộc vào cơ địa từng người. Dưới đây là 10 nguyên nhân nổi mề đay trên da thường gặp, được bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ.
Nổi mề đay có nguy hiểm không?
Không. Nổi mề đay là tình trạng niêm mạc và các mao mạch dưới da phản ứng với các tác nhân gây dị ứng bên trong hoặc ngoài cơ thể, gây phát ban, phù mao mạch, ngứa ngáy. Đây là bệnh da liễu rất phổ biến, khoảng 20% dân số thế giới từng mắc mề đay cấp, phần lớn tình trạng này sẽ thuyên giảm sau khoảng 6 tuần.
Mề đay thường lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, các trường hợp dị ứng nặng như nổi mề đay kèm: sưng môi, mặt, mắt, lưỡi, cổ họng; nôn, khò khè, thở rít, khó thở… cần được cấp cứu kịp thời.
10 nguyên nhân nổi mề đay thường gặp hàng ngày
Mỗi người có thể dị ứng với các tác nhân khác nhau, gây ra phản ứng nổi mề đay. Dưới đây là những nguyên nhân nổi mề đay thường gặp: (1)
1. Dị ứng thực phẩm
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của mề đay là do dị ứng thức ăn. Bên cạnh nổi mề đay, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: cảm giác ngứa trong miệng, ngứa mắt, sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng, khó thở, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt…
Các loại thực phẩm dễ dị ứng gồm: hải sản, cá, đậu phộng, hạt, đậu nành, trứng, sữa… Người bị dị ứng thực phẩm thường nổi mề đay trong vòng 1 giờ sau khi ăn thực phẩm gây dị ứng. Để biết tình trạng mề đay có liên quan đến dị ứng thức ăn hay không, người bệnh có thể thực hiện xét nghiệm bộ dị nguyên để xác định nguyên nhân dị ứng.
2. Dị ứng thuốc
Nhiều loại thuốc có thể gây nổi mề đay, như: thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid (như aspirin, ibuprofen, naproxen natri), thuốc hạ acid uric… Nổi mề đay do thuốc thường xảy ra ngay sau khi dùng thuốc hoặc sau đó vài ngày. (2)
3. Dị ứng côn trùng (vết cắn)
Vết cắn của côn trùng như: bọ chét, rệp, ong vò vẽ, kiến, sâu… có thể là nguyên nhân bị nổi mề đay. Người bệnh có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy vào loại côn trùng và độ rộng vùng da bị cắn. Một số trường hợp bị các côn trùng có nọc độc mạnh như bọ cạp, ong bắp cày… cắn, đốt, có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.
4. Dị ứng tiếp xúc
Nổi mề đay do tiếp xúc hóa chất là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng với một số loại hóa chất, như: chất bảo quản, chất tạo mùi, chất làm đặc, thành phần chống nắng, hợp chất formaldehyde…
Các sản phẩm thường gây dị ứng là: xà phòng, son, phấn, nước hoa, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay… Tình trạng nổi mề đay tiếp xúc có thể xuất hiện sau 10 - 60 phút tiếp xúc với chất gây dị ứng.
5. Nhiễm trùng
Người bệnh có thể nổi mề đay trên da do nhiễm trùng ở các bộ phận:
- Tai, mũi và họng.
- Cơ quan tiêu hóa.
- Răng, miệng.
- Đường tiết niệu, bộ phận sinh dục.
Ngoài ra, nhiễm trùng do vi rút (như viêm gan B, C), nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, nhiễm giun, sán hoặc nhiễm nấm ở da cũng là nguyên nhân gây nổi mề đay. Các nguyên nhân này đôi khi tiềm ẩn, khó phát hiện. Nếu nghi ngờ do nhóm nguyên nhân này, người bệnh sẽ được đề nghị làm một số xét nghiệm tầm soát ký sinh trùng và điều trị nếu dương tính.
6. Yếu tố tố thời tiết, nhiệt độ
Yếu tố thời tiết (mưa, nắng), thay đổi nhiệt độ đột ngột (quá nóng hoặc quá lạnh) cũng có thể là nguyên nhân gây nổi mề đay. Đặc biệt, một số người có thể kích ứng da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
7. Căng thẳng và áp lực tâm lý
Áp lực tâm lý, mệt mỏi có thể gây mề đay ở một số người, nhất là người chịu áp lực, stress kém.
8. Rối loạn miễn dịch
Mề đay có thể xuất hiện ở người bệnh có tiền sử: bệnh mô liên kết, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh tuyến giáp tự miễn, bệnh Sjögren, bệnh Celiac và bệnh tiểu đường tuýp 1.
9. Nguyên nhân từ môi trường sinh hoạt
- Gãi hoặc chà xát da.
- Tập thể dục hoặc tắm nước nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao.
- Mặc quần áo bó sát.
10. Nguyên nhân không rõ
Là tình trạng nổi mề đay trên da không tìm ra nguyên nhân, còn gọi là mề đay vô căn hay mề đay tự phát.
>>Xem thêm: Nổi mề đay kéo dài nhiều ngày không hết là do đâu?
Cách nhận biết cơ thể bị nổi mề đay
Người bệnh có thể dễ dàng nhận biết dấu hiệu của mề đay trên da như: phát ban, nổi sẩn hoặc mảng phù ở bề mặt da, ngứa nhiều, có thể tự giới hạn không quá 24 giờ, kèm sưng mắt, sưng mặt, sưng môi, có thể kèm ngứa mắt, viêm mũi dị ứng…
Mề đay có thể lan rộng trên da. Hầu hết mề đay lành tính, tuy nhiên người bệnh nên đến bác sĩ khám nếu mề đay có kèm các dấu hiệu sau:
- Khó thở, khò khè, thở rít.
- Sốt, mệt mỏi.
- Phù mạch diễn tiến nhanh.
- Lú lẫn, lơ mơ.
- Choáng váng do tụt huyết áp.
- Đau bụng, tiêu chảy.
Người bệnh nổi mề đay cấp tính kèm phù mạch diễn tiến nhanh (biểu hiện: sưng phù mặt, môi, lưỡi, cổ họng…) có thể bị tắc đường thở, suy hô hấp, dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
>> Bài viết liên quan: Nổi mề đay có lây không?
Cách điều trị nổi mề đay hiệu quả
Để điều trị nổi mề đay tại nhà hiệu quả, cần xác định và loại bỏ nguyên nhân nổi mề đay. Mề đay có thể tái phát khi cơ thể tiếp xúc lại với yếu tố dị ứng.
Hầu hết bệnh có thể tự khỏi. Để làm dịu triệu chứng ngứa, sưng khi nổi mề đay, người bệnh có thể tắm sạch với xà phòng, mặc quần áo rộng rãi và chườm mát; sử dụng các loại thuốc kháng histamin không kê đơn.
Nếu tình trạng nổi mề đay thường xuyên tái phát và không tìm được nguyên nhân chính xác, người bệnh nên đến cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị. Bác sĩ có thể dùng thuốc kháng histamin, steroid đường thoa hoặc uống, tiêm thuốc sinh học… để kiểm soát bệnh.
Biện pháp ngăn ngừa nổi mề đay sau điều trị
Nổi mề đay có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố cơ địa, do đó rất khó loại bỏ hoàn toàn. Để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ tái phát, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Người có cơ địa nhạy cảm nên hạn chế tiếp xúc với hóa chất có tính tẩy mạnh. Ưu tiên sử dụng những sản phẩm lành tính, chiết xuất từ thiên nhiên.
- Người bị nổi mề đay do lạnh nên thường xuyên giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: hải sản, khói bụi, phấn hoa, côn trùng…
- Mặc trang phục rộng rãi, hạn chế các chất liệu dễ gây kích ứng.
- Giữ vệ sinh cơ thể, khi đến nơi có nhiều côn trùng, cần sử dụng đồ bảo hộ như: quần áo dài, găng tay, ủng…
- Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress.
Khi xuất hiện mề đay, dị ứng, phát ban… trên da, người bệnh có thể đến chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để khám và điều trị. Đơn vị quy tụ các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực điều trị bệnh về da và chăm sóc thẩm mỹ da, cùng hệ thống máy móc hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các nước tiên tiến, nhằm đưa ra phác đồ điều trị an toàn, hiệu quả, mang đến trải nghiệm dịch vụ chăm sóc làn da tốt nhất cho khách hàng.
>>Có thể quan tâm: Nổi mề đay ở trẻ em có nguy hiểm không?
Trên đây là các nguyên nhân nổi mề đay trên da thường gặp nhất. Tuy không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng mề đay gây nhiều phiền toái đến sinh hoạt, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phần lớn trường hợp không cần điều trị, nhưng nếu bệnh tái phát thường xuyên, có các triệu chứng nặng hoặc dai dẳng, người bệnh cần nhanh chóng đến chuyên khoa Da liễu để được khám, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây bệnh.